Nhóm nghiên cứu từ trường Đại học Yale-NUS phát hiện ra rằng, 99,6% sản phẩm có chứa dấu vết di truyền của các loài lươn nước ngọt đang bị đe dọa. Nghiên cứu này được công bố vào ngày 9/1 trên tạp chí Conservation Science And Practice.
Unagi là từ tiếng Nhật dùng để chỉ lươn nước ngọt, thường được tiêu thụ ở Đông Á. Nhu cầu tiêu thụ cao đối với loài lươn này, thuộc họ Anguillidae, đã dẫn đến tình trạng đánh bắt quá mức.

Có khoảng 19 loài lươn nước ngọt trên toàn thế giới nhưng chủ yếu chỉ có 3 loài được tiêu thụ ở Singapore bao gồm lươn Nhật Bản (Anguilla japonica), lươn châu Âu (Anguilla anguilla) và lươn Mỹ (Anguilla rostrata).
Theo Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế, lươn châu Âu đang bị đe dọa nghiêm trọng, trong khi hai loài còn lại cũng đang bị đe dọa.
Mặc dù Liên minh châu Âu đã áp dụng hạn ngạch xuất khẩu bằng 0 đối với lươn châu Âu vào năm 2011, nhóm của nhà nghiên cứu Joshua Choo đã tình cờ đọc được một báo cáo năm 2020 cho thấy lươn rất phổ biến tại các cửa hàng ở Hồng Kông.
Điều này thúc đẩy họ tìm hiểu xem xu hướng này có đúng ở Singapore hay không.
Trong nghiên cứu này, ông Choo và nhóm của ông đã thu thập 266 mẫu thịt lươn nước ngọt từ các nhà bán lẻ và cửa hàng trực tuyến vận chuyển sản phẩm đến Singapore vào tháng 7/2023.
Họ mua nhiều loại thịt khô, thịt chín và thịt tươi để đảm bảo sự đa dạng.
Sau đó, các nhà nghiên cứu xác định loài lươn trong mỗi sản phẩm bằng cách trích xuất DNA của chúng và so sánh với trình tự gen đã biết của các loài lươn khác nhau.
Nhưng thay vì lươn châu Âu, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng phần lớn lươn được bán trong các cửa hàng ở đây là lươn Mỹ.
Trong số 257 sản phẩm unagi có DNA, 217 sản phẩm (84,4%) được xác định là lươn Mỹ. 36 mẫu khác (14%) là lươn Nhật Bản, trong khi chỉ có 3 mẫu được phát hiện có chứa lươn châu Âu.
Một mẫu vật hóa ra là lươn hồng, một loài cá nước mặn bị dán nhãn nhầm là unagi.

Theo ông Choo, điều này báo hiệu một sự thay đổi đáng lo ngại khi nhà sản xuất có xu hướng dùng lươn Mỹ thay thế cho các đàn lươn châu Âu đã cạn kiệt. Chu kỳ khai thác, cạn kiệt và chuyển sang loài khác được ghi chép rõ ràng trong hoạt động buôn bán lươn.
Lươn Nhật Bản từng là loài mục tiêu đầu tiên cho món unagi, nhưng việc tiêu thụ quá mức đã dẫn đến suy giảm quần thể và do đó làm tăng giá thành của loài này.
Lươn châu Âu có giá rẻ hơn nhiều, vì vậy ngành công nghiệp chuyển sang loài này thay thế. Theo báo cáo của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật và thực vật hoang dã nguy cấp (Cites), từ cuối những năm 1990 đến năm 2007, hơn 50% lươn châu Âu non xuất khẩu đã cập bến các trang trại nuôi trồng thủy sản ở châu Á.
Nhưng hiện nay, khi số lượng lươn châu Âu cũng đang giảm mạnh, ngành công nghiệp này lại một lần nữa chuyển hướng sang quần thể lươn châu Mỹ.
Trích dẫn một nghiên cứu khác, ông Choo cho biết: “Đông Á đã nhập khẩu ngày càng nhiều lươn Mỹ - từ 2 tấn vào năm 2004, lên 53 tấn vào năm 2021 và 157 tấn vào năm 2022”.
Các nhà nghiên cứu lo ngại rằng, lươn nước ngọt ở Đông Nam Á có thể là mục tiêu tiếp theo.