Lãnh đạo có phát biểu nhạy cảm, Uniqlo đối mặt làn sóng tẩy chay tại Trung Quốc

TRUNG QUỐC - Thương hiệu thời trang nổi tiếng Uniqlo đang chịu chỉ trích lớn từ cộng đồng mạng Trung Quốc.

Reuters cho biết cộng đồng mạng Trung Quốc đang kịch liệt chỉ trích thương hiệu thời trang của Nhật Bản Uniqlo, sau khi một lãnh đạo cấp cao của thương hiệu có phát ngôn nhạy cảm.

Trong bài phỏng vấn được Đài BBC đăng tải ngày 28/11, ông Yanai Tadashi, giám đốc điều hành (CEO) Fast Retailing (công ty mẹ của Uniqlo) được đặt câu hỏi liệu Uniqlo có đang sử dụng bông vải đến từ Tân Cương hay không, đã khẳng định "chúng tôi không sử dụng" sau đó tự ngắt lời.

Ông Tadashi nói thêm ông không muốn hoàn thành câu trả lời vì câu hỏi "quá chính trị".

nd241129-unqilo-bac-kinh-1732887082935933323807-5-3
Một cửa hàng Uniqlo tại thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) - Ảnh: NIKKEI ASIA

Phần trả lời của ông Tadashi nhanh chóng được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội Weibo đã khiến nhiều người dùng mạng Trung Quốc bùng nổ giận dữ.

Một người dùng viết: “Với thái độ này của Uniqlo và sự kiêu ngạo từ phía người sáng lập, có lẽ họ đang đánh cược là người tiêu dùng đại lục sẽ quên đi mọi thứ sau vài ngày và tiếp tục mua hàng. Lần này liệu chúng ta sẽ kiên quyết (tẩy chay) không?”

Hầu hết bông vải của Trung Quốc sản xuất được cung cấp từ Tân Cương.

Việc nhập nguyên liệu từ khu tự trị này trong nhiều năm gần đây trở thành một vấn đề nhạy cảm, bắt nguồn từ việc nhiều tổ chức vì quyền con người và Chính phủ Mỹ tố cáo Bắc Kinh ngược đãi cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ tại đây.

Đây không phải lần đầu làn sóng phản đối thương hiệu nước ngoài nổ ra tại Trung Quốc.

Năm 2021, thương hiệu thời trang nổi tiếng H&M cũng bị người Trung Quốc tẩy chay sau khi thương hiệu này công khai tuyên bố quan ngại trước những cáo buộc bóc lột lao động tại Tân Cương và ngừng nhập bông vải từ đây.

nd241129-hm-bac-kinh-1732887220925673489539
Một cửa hàng H&M tại Bắc Kinh - Ảnh: AFP

Từ làn sóng tẩy chay, H&M đã phải đóng cửa hàng trên những sàn thương mại điện tử lớn, gỡ địa điểm cửa hàng khỏi các ứng dụng bản đồ.

Nhiều thương hiệu khác như Nike, Puma, Burberry, Adidas cũng gặp rắc rối sau vụ việc của H&M.

Mới đây hồi tháng 9, Bộ Thương mại Trung Quốc đã mở cuộc điều tra nhắm vào PVH, công ty mẹ của hai thương hiệu Calvin Klein và Tommy Hilfiger với lý do PVH bị nghi ngờ "tẩy chay không công bằng" với bông vải Tân Cương và những sản phẩm khác "mà không có cơ sở thực tế".

Trung Quốc là thị trường nước ngoài lớn nhất của Fast Retailing. Tính cả sự hiện diện tại Hong Kong và Đài Loan thì doanh thu từ Trung Quốc chiếm trên 1/5 doanh thu Fast Retailing.

Ông Ben Cavender, Giám đốc quản lý thuộc Công ty nghiên cứu thị trường China Market Research Group, nhận định còn sớm để đánh giá tác hại lâu dài của vụ việc của Uniqlo, tuy nhiên việc mất một lượng khách hàng trong thời điểm khó khăn hiện tại của ngành công nghiệp may mặc là không có lợi cho doanh nghiệp.

Bình luận