Người Việt quan niệm ngày Tết không chỉ không chỉ dành cho người sống nên sau khi dọn dẹp nhà cửa tươm tất, mỗi gia đình thường cúng mâm cơm để mời ông bà về ăn Tết. Tục cúng tất niên vì thế thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn, thờ cúng tổ tiên trong văn hóa người Việt. Vào ngày tất niên, tất cả các thành viên trong gia đình sẽ quây quần bên nhau, với các món ăn truyền thống. Sau khi thắp nhang cho ông bà xong, mọi người sẽ ngồi xuống để cùng nhau ăn uống, ôn lại chuyện của năm qua, hướng tới năm mới nhiều điều tốt lành, tích cực.
Tại sao các gia đình cúng giao thừa?
Lễ giao thừa hay còn gọi là lễ Trừ tịch, được cử hành vào đúng thời khắc kết thúc năm cũ, chuyển sang năm mới. Gọi là cúng trừ tịch có ý nghĩa đem bỏ hết những điều xấu của năm cũ để đón những điều tốt đẹp của năm mới sắp đến. Lễ cúng giao thừa được thực hiện ở cả trong nhà và ngoài trời, thường được tiến hành vào giờ chính Tý, tức đúng 12 giờ đêm hôm 30 tháng Chạp.
Người Việt xưa tin rằng, mỗi năm có một vị Hành khiển trông coi việc nhân gian. Hết một năm, thần năm cũ bàn giao lại công việc cho vị thần năm mới. Vì vậy, cần phải có mâm cúng ở ngoài trời để tiễn thần năm cũ và đón thần năm mới.
Ảnh minh họa: Internet
Chuẩn bị mâm cúng giao thừa như thế nào?
Tùy từng vùng miền, địa phương, mâm cúng giao thừa có thể khác nhau, nhưng về cơ bản gồm các vật phẩm sau:
Mâm cúng ngoài trời thường có: mâm ngũ quả, nhang đèn, hoa tươi (không dùng hoa giả), trầu cau, muối gạo, trà rượu, thủ lợn luộc, gà trống luộc, xôi, bánh chưng
Mâm cúng trong nhà thường gồm: bánh chưng, giò chả, xôi, thịt gà, rượu
Đồ cúng ngọt gồm có: bánh kẹo, mứt tết, hoa tươi, nhang, đèn
Ở miền Bắc mâm cúng thường tính theo số lượng bát, đĩa: 4 bát, 4 đĩa hay 6 bát, 6 đĩa hoặc 8 bát, 8 đĩa… Ở miền Trung, mâm cỗ có cả bánh chưng, bánh tét và một số món mới như: đĩa dưa món, đĩa giò lụa Huế, đĩa thịt đông, … để dâng lên tổ tiên ngày Tết.
Ở miền Nam, cỗ Tết thường có nhiều đồ nguội do thời tiết nắng nóng. Cỗ có bánh tét kèm với đĩa củ cải ngâm nước mắm; canh khổ qua nhồi thịt, thịt kho tàu (thịt heo, trứng với nước dừa); đĩa thịt heo luộc, đĩa dưa giá, củ kiệu….
Khi cúng giao thừa trong nhà, tất cả các thành viên trong gia đình đứng trang nghiêm trước bàn thờ, thành tâm khấn tổ tiên để xin được các cụ phù hộ độ trì trong năm mới, cầu an khang thịnh vượng, sức khỏe tốt.
Đây cũng là dịp để các thành viên sum vầy, nói lời nguyện ước tốt lành cho nhau, nhắc nhở nhau sống tốt, trên thuận dưới hòa, trong an ngoài khéo.