Chờ...

Năm 2024 đang trên đường trở thành năm nóng nhất lịch sử

VOH - Năm 2024 có thể vượt qua năm 2023 để trở thành năm nóng nhất lịch sử thế giới.

Cơ quan Giám sát Khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh châu Âu (EU) ngày 8/7 công bố số liệu cho biết, tháng 6-2024 đã trở thành tháng nóng nhất trên thế giới được ghi nhận từ trước tới nay.

Với nhiệt độ trung bình trên thế giới tiếp tục kéo dài chuỗi nhiệt độ cao đặc biệt từ đầu năm tới nay, giới khoa học khí hậu cho rằng, điều này sẽ khiến năm 2024 trở thành năm nóng nhất toàn cầu từng được ghi nhận.

Theo số liệu thống kê của C3S, kể từ tháng 6/2023 tới nay, đã 13 tháng liên tiếp nhiệt độ trung bình hằng tháng trên thế giới đều được ghi nhận là cao nhất lịch sử. Trong đó, riêng tháng 6 vừa qua ghi nhận nhiệt độ trung bình bề mặt không khí Trái đất là 16,66 độ C.

Nang nong 2024
Nắng nóng đang đe dọa ngày càng nghiêm trọng tới sức khỏe con người và sản xuất trên thế giới


Nhiệt độ trung bình toàn cầu trong 12 tháng qua, từ tháng 7-2023 đến tháng 6-2024, đạt mức cao nhất từ trước đến nay, cao hơn 0,76 độ C so với mức trung bình giai đoạn 1991-2020 và cao hơn 1,64 độ C so với mức trung bình thời kỳ tiền công nghiệp 1850-1900.

Cơ quan giám sát khí hậu của EU trấn an rằng, điều này không có nghĩa là giới hạn mức tăng nhiệt không quá 1,5 độ C được 196 quốc gia nhất trí tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu tại Paris (Pháp) năm 2015 đã bị phá vỡ, bởi mục tiêu đó được đo lường trong vài thập kỷ, không phải theo từng năm riêng lẻ nào đó.

Nửa đầu năm nay, Trái đất đã ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục bao trùm nhiều khu vực trên thế giới, từ Ấn Độ và Saudi Arabia đến Mỹ và Mexico. Nắng nóng gay gắt gây ra những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sức khỏe con người cũng như sản xuất nông nghiệp.

Theo IFRC, nắng nóng cực độ đã cướp đi sinh mạng của hàng chục ngàn người trong 12 tháng qua, nhưng con số thực tế có thể lên tới hàng trăm ngàn hoặc thậm chí hàng triệu người.

Giám đốc Trung tâm Khí hậu IFRC Aditya Bahadur nhấn mạnh, nắng nóng cực độ đang gây ra sự tàn phá đối với sức khỏe con người, cơ sở hạ tầng quan trọng, nền kinh tế, nông nghiệp và môi trường cũng như sự an toàn của người lao động trên toàn thế giới.