Tiêu điểm: Nhân Humanity

Những thực phẩm cần tránh để vượt qua nỗi ám ảnh say tàu xe

VOH - Chắc hẳn ai cũng đã từng bị say tàu xe, cảm giác không chỉ vô cùng khó chịu mà còn có thể ói ra mật xanh.

Để cải thiện tình trạng say tàu xe, ngoài việc uống thuốc chống say tàu xe, chúng ta cũng nên chú ý đến đồ ăn, đồ uống của mình trước khi khởi hành.

Những thực phẩm cần tránh để vượt qua nỗi ám ảnh say tàu xe 1
Say tàu xe dẫn đến nỗi ám ảnh rất lớn đối với nhiều người - Ảnh: TVBS

Những đồ ăn, đồ uống cần tránh trước khi khởi hành

Không chỉ đi máy bay mà còn đi tàu, xe hơi hoặc xe khách đường dài, khi tham gia các phương tiện di chuyển với một thời gian dài, gặp áp suất không khí thay đổi hoặc điều kiện sóng gió trên sông, trên biển hay gồ ghề, lồi lõm trên đường đi có thể khiến người ta bị say máy bay, say sóng hoặc say tàu xe (gọi chung là say tàu xe).

Các chuyên gia du lịch cho biết, có các loại đồ uống và đồ ăn mà những người dễ bị say tàu xe nên tránh trước khi khởi hành để không bị cảm giác khó chịu, xây xẩm mặt mũi, mệt mỏi, chóng mặt, mắc ói hay ói trên máy bay, tàu thuyền, xe hơi và xe khách đường dài.  

James Cole, chuyên gia du thuyền hạng sang, người sáng lập kiêm giám đốc điều hành Du thuyền 5 sao Panache Cruises chia sẻ, những du khách, đặc biệt là những người bị say tàu xe trước khi khởi hành không nên ăn bông cải xanh, bông cải trắng, thức ăn nhanh, rượu vang đỏ, rượu vang trắng, rượu sâm panh, bia, cà phê đen và nước cam.

Rau họ cải

Bông cải xanh, bông cải trắng, cải Bruxen (cải bi xen), cải xoăn…… thường ngày ăn rất tốt cho cơ thể, giúp chống ung thư và viêm nhiễm, tuy nhiên không nên ăn trước khi đi du lịch vì những loại rau này sẽ sinh ra khí.

Điều này sẽ làm cho dạ dày và ruột dễ bị đầy hơi; khoang bụng và hang vị dạ dày thường có cảm giác căng phồng và đau khó chịu, làm tăng cảm giác ói mửa khi say tàu xe.

Thức ăn nhanh

Khoai tây chiên, bánh khoai tây chiên và bánh mì kẹp thịt nhiều dầu mỡ……do hàm lượng chất béo cao dễ gây ợ nóng; thức ăn nhanh cũng chứa nhiều natri dễ gây giữ nước, dẫn đến chướng bụng.

Điều này có nghĩa là khi ngồi máy bay, gặp áp suất không khí thay đổi, có thể sẽ bị chóng mặt, mệt mỏi, khó chịu, làm tăng cảm giác ói mửa khi bị say tàu xe.

Cà phê đen

Những người chuẩn bị khởi hành trước bình minh có thể muốn uống một ly cà phê đen để cho tỉnh táo. Nếu nhất định phải uống, thì không nên uống một ly lớn cà phê đậm đặc, vì caffein sẽ đẩy nhanh quá trình mất nước của cơ thể, khiến cơ thể dễ bị mệt mỏi, khó chịu khi di chuyển đường dài, làm tăng cảm giác bất an và tâm trạng bồn chồn khi say tàu xe.

Ngoài ra, caffeine rất lợi tiểu, nếu chúng ta muốn tránh đi vệ sinh thường xuyên lúc ngồi máy bay hoặc tàu xe thì không nên uống quá nhiều cà phê đen.

Những thực phẩm cần tránh để vượt qua nỗi ám ảnh say tàu xe 2
Không nên uống cà phê đen khi đi máy bay hoặc tàu xe, vì nó làm cơ thể nhanh mất nước và làm tình trạng say xe nặng hơn - Ảnh: TVBS

Nước cam

Bất ngờ nhất là nước cam. Nước cam có tính axit cao (chua) và nên tránh uống trước khi đi du lịch, đặc biệt là khi đi máy bay, áp suất trong khoang máy bay có thể gây ợ nóng, trào ngược axit và ói mửa khi bị say máy bay.

Ngoài ra, vitamin C trong nước cam có thể kích thích làm cho bàng quang nhạy cảm hơn, dẫn đến việc chúng ta phải đi vệ sinh nhiều lần.

Rượu

Rượu cũng giống như caffein, có thể làm cơ thể mất nước nhanh hơn, khiến chúng ta cứ muốn đi vệ sinh thường xuyên hơn hoặc tăng cảm giác mệt mỏi, chóng mặt và ói mửa khi say tàu xe.

Vì vậy, tốt hơn hết không nên uống bất kỳ loại rượu nào trước khi đi máy bay và tàu xe.

Những thực phẩm giúp vượt qua nỗi ám ảnh say tàu xe

Để giảm nhẹ say tàu xe, hãy cố gắng ăn thức ăn nhẹ ít chất béo, ít dầu mỡ và ít chua, đồng thời không để bụng đói mà lên máy bay hoặc tàu xe, vì bụng đói cũng sẽ làm trầm trọng thêm cảm giác khó chịu khi bị say tàu xe.

Nếu bị say tàu xe, chúng ta có thể ăn một ít bánh cookies soda, táo, chuối, các loại hạt hoặc ngậm một ít gừng tươi, có thể giúp giảm kích ứng do axit dạ dày gây ra và loại bỏ các hóa chất gây ói mửa trong dạ dày.

Từ đó, có thể giúp chúng ta giảm nhẹ cảm giác khó chịu, xây xẩm mặt mũi, mệt mỏi, chóng mặt, mắc ói hay ói khi bị say tàu xe.

Bình luận