Tiêu điểm: Bệnh Sởi
Chờ...

Nữ doanh nhân giỏi kinh doanh, đảm việc nhà

(VOH) - Theo thống kê, trên thế giới, số lượng doanh nhân nữ chỉ sở hữu hơn một nửa số lượng các doanh nghiệp siêu nhỏ, chiếm 25% số lượng các doanh nghiệp nhỏ và chỉ 8% số lượng các doanh nghiệp vừa.

Rõ ràng, việc người phụ nữ tham gia vào thương trường và thành công vẫn còn hạn chế và gặp nhiều rào cản. Bản thân họ vừa phải lo việc kinh doanh vừa phải chu toàn cuộc sống gia đình, làm thế nào để hài hòa được hai yếu tố đó là điều không dễ dàng.

nu-doanh-nhan-gioi-kinh-doanh-dam-viec-nha-voh.com.vn-anh1
Đại hội Hội Nữ Doanh nhân TPHCM nhiệm kỳ II (2020-2025). (Ảnh: VOH)

Chị Nguyễn Thị Quỳnh Nguyên – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Phát triển công nghệ Anapath, chuyên về xét nghiệm bệnh phẩm chia sẻ, sau đại dịch Covid-19 công ty thiếu hụt nhân sự rất nhiều, sau giãn cách, các nhân viên về quê và không lên Thành phố nữa, mặc dù công ty có nhiều chính sách như trả trước 1 tháng lương, ứng tiền thuê nhà… nhưng hầu như không thu hút lao động quay trở lại khiến công việc không được suôn sẻ. Theo chị, một nữ doanh nhân luôn phải phấn đấu gấp hai, ba lần nam giới để cân bằng được giữa công việc và trách nhiệm gia đình.

“Nữ bao giờ cũng thiệt thòi, nhất là nữ làm chủ doanh nghiệp, nhiều khi áp lực rồi bị stress, và sau đợt dịch này bị trầm cảm cũng khá nhiều”, chị Nguyên nói.

Tương tự, bà Đặng Thị Minh Nguyệt, chủ cửa hàng Decal Minh Nguyệt, Quận 11 lý giải, phụ nữ đang chịu nhiều thiệt thòi, khi phải gồng mình trong nhiều vai. Dù lãnh đạo cả một doanh nghiệp, có tri thức, tầm nhìn nhưng khi về nhà, vẫn phải tròn vai làm vợ, làm mẹ, chỉn chu từ việc nội trợ tới nuôi dạy con cái, thậm chí nhiều khi còn phải vờ nhún nhường để người đàn ông cảm thấy được đề cao hơn mình. Còn trong kinh doanh, muốn thành công thì người phụ nữ phải chịu khó, chấp nhận nhiều rủi ro: “Nữ mà kinh doanh thì cũng có cái khó của nữ so với nam, nhưng mình vẫn cố gắng vượt qua. Lợi thế nữa của nữ là siêng năng, chịu khó, mày mò để vượt qua những khó khăn mà mình gặp phải, tại vì ban đầu còn thiếu vốn...”.

Bà Nguyễn Thị Thu Vân – một giáo viên về hưu khẳng định, sau lưng người đàn ông thành đạt là hình ảnh người phụ nữ âm thầm hy sinh, vun vén cho gia đình. Còn sau lưng người phụ nữ thành đạt lại phải đánh đổi rất nhiều thứ, nhưng phụ nữ thì ai cũng kiên cường: “Người phụ nữ ngày nay không những chỉ nội trợ không, mà họ còn tham gia công tác ở ngoài xã hội. Người phụ nữ Việt Nam mình vừa khéo léo vừa chịu thương, chịu khó. Phải thức khuya dậy sớm, cũng vất vả lắm nhưng người phụ nữ vẫn kiên cường, lo cho chồng, cho con rất chu đáo”.

Ông Kao Siêu Lực – Tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Bánh kẹo Á Châu nhìn nhận, phụ nữ khi điều hành doanh nghiệp thường cẩn thận, chu đáo, tiết kiệm, đồng thời họ còn có khả năng xây dựng văn hóa doanh nghiệp tốt hơn nam giới. Tuy nhiên, phụ nữ bình thường đã vất vả, chưa kể đối với phụ nữ là doanh nhân, dù có làm chức vụ cao đến đâu thì cũng không quên gia đình. Tuy hoàn cảnh mỗi người khác nhau, giữ những cương vị khác nhau, nhưng ở họ có một điểm chung là luôn nỗ lực phấn đấu, tích cực học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc, một sự hy sinh thầm lặng cho gia đình, cho thiên chức làm mẹ, ông so sánh: “Nếu mà nữ giới làm kinh doanh thì phụ nữ ít phải đi ngoại giao, còn nam phải đi ngoại giao nhiều hơn, đi ngoại giao phải ăn uống thì cũng không hay. Nhưng có một số phụ nữ làm lãnh đạo thì việc quan trọng nhất vẫn là lo cho gia đình. Công việc xong xuôi rồi thì phải về nhà lo cơm nước cho chồng, cho con. Đợi con ngủ rồi mới yên tâm làm việc, cho nên tôi thấy phụ nữ có vai trò rất quan trọng”.

Cũng theo Phó Giáo sư – Tiến sỹ Hà Minh Hồng - nguyên Trưởng Khoa Sử Trường Đại học Khoa học - Xã hội và Nhân văn TP.HCM nhận xét, nam giới làm kinh doanh họ có thể lo cái rộng lớn là cho toàn thể công ty và toàn xã hội, họ tập trung vào những cái cho là lớn lao, nhưng nhiều khi lại bỏ bê gia đình, nhưng với phụ nữ thì khác, làm kinh doanh hay lãnh đạo gì thì quan trọng nhất với họ vẫn là gia đình, họ lo cho đời sống gia đình từ những việc nhỏ nhất để từ đó lo cho cả một xã hội: “Trong kinh doanh nói chung thì khả năng của phụ nữ trong tương tác, hợp tác, trong thuyết phục đối tượng để kinh doanh, để cạnh tranh thì phụ nữ có lợi thế. Nhưng phụ nữ họ thấy nó thiết thực, với họ cái gì cũng lớn. Cuộc sống của những người thân nhất trong gia đình họ cũng lớn, không kém gì vấn đề của xã hội. Phụ nữ được gọi là chân yếu tay mềm, nhưng chính cái chân yếu tay mềm đó đã tạo ra cho họ cái quyền lực mềm rất riêng của giới để làm những công việc tưởng là rất nhỏ bé, tầm thường nhưng lại thiết thực nhất trong cuộc sống hiện nay”.

Có thể khẳng định ngay rằng làm phụ nữ hai giỏi là không dễ một chút nào. Để thành đạt, họ đã phải sống, làm việc, phấn đấu, hy sinh rất nhiều điều, nhưng khi chồng con mỏi mệt trở về tổ ấm, những người mẹ, người vợ ấy lại lao ngay vào công việc nội trợ, chăm sóc, đưa đón con cái. Làm thế nào có thể vừa “giỏi việc nước - đảm việc nhà” câu khẩu hiệu này nghe qua thấy nhẹ tênh, nhưng lại là một thách thức đối với người phụ nữ trong cuộc sống hiện đại. Vì vậy, nam giới hãy thấu hiểu và chia sẻ với người phụ nữ của mình để vơi bớt nhọc nhằn trên vai họ.