"Revenge Quitting" - bỏ việc để trả thù: Xu hướng nguy hiểm trong năm 2025

VOH - Những mâu thuẫn trong công việc, đặc biệt giữa nhân viên và cấp trên đang tạo ra một xu hướng ngày càng phổ biến: "revenge quitting" – bỏ việc để trả thù.

Xu hướng này dự báo sẽ gia tăng mạnh mẽ vào năm 2025, đặc biệt trong bối cảnh nhiều nhân viên cảm thấy kiệt sức và không hài lòng với môi trường làm việc hiện tại.

Edel Holliday-Quinn, nhà tâm lý học kinh doanh ở Anh, cho biết năm 2024 chứng kiến sự gia tăng sự kiệt sức của người lao động, khi họ phải làm việc quá sức với mức lương thấp, trong khi điều kiện làm việc không linh hoạt.

Điều này khiến nhiều người nảy sinh suy nghĩ "năm mới, công việc mới", và coi việc nghỉ việc như một cách để tìm kiếm cơ hội mới hoặc bày tỏ quan điểm cá nhân.

Theo chuyên gia, đây là thời điểm mà các công ty cần chú trọng hơn bao giờ hết đến việc giữ chân nhân viên giỏi, tránh để tình trạng "revenge quitting" xảy ra.

Ciara Harrington, giám đốc nhân sự của nền tảng đào tạo Skillsoft tại Mỹ, cảnh báo rằng nếu bộ phận nhân sự không hành động kịp thời, họ sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất nhân tài.

Anh-man-hinh-2024-05-17-luc-18-9774-8074-1715944148
Ảnh minh họa 

Báo cáo của nền tảng phúc lợi lao động Businessolver, sau 9 năm khảo sát 20.000 nhân viên, cho thấy gần 50% người lao động và giám đốc điều hành cho biết họ làm việc trong một môi trường độc hại.

Năm 2023, nhiều nhân viên rải CV "trả thù" công ty cũ sau những xung đột trong công việc, và xu hướng này sẽ tiếp tục diễn ra vào năm 2025.

Bà Beth Hood, giám đốc điều hành nền tảng đào tạo Verosa, giải thích rằng sự không hài lòng của nhân viên hiếm khi chỉ xuất phát từ một lý do duy nhất. Những yếu tố như thiếu kết nối, cảm giác mất an toàn hay không được công nhận có thể khiến nhân viên cảm thấy tức giận và quyết định bỏ việc.

Điều này càng trở nên nghiêm trọng hơn khi các nhân viên phải đối mặt với khối lượng công việc lớn hơn do cắt giảm nhân sự và đặc biệt là các quản lý cấp trung, những người không được chuẩn bị đầy đủ để xử lý tình trạng này.

Holliday-Quinn cho biết sự mất kết nối giữa lãnh đạo và nhân viên không chỉ là vấn đề giao tiếp mà còn là một cuộc khủng hoảng giữ chân nhân viên. Đặc biệt, giới lao động trẻ không chấp nhận những hệ thống phân cấp cứng nhắc hoặc văn hóa làm việc lỗi thời, điều này đẩy các công ty không linh hoạt vào tình trạng khó khăn trong việc giữ chân nhân tài.

Để ngăn chặn "revenge quitting", giám đốc nhân sự Ciara Harrington khuyên các nhà lãnh đạo cần trực tiếp trò chuyện với nhân viên, bởi động cơ chính khiến nhân viên nghỉ việc là do mối quan hệ với cấp trên, chứ không phải công ty.

Một báo cáo của Businessolver cho thấy trong khi 55% CEO cho rằng họ lãnh đạo bằng sự đồng cảm, chỉ 28% nhân viên đồng tình với nhận định này. Harrington cho rằng nếu nhân viên cảm thấy được thấu hiểu và lắng nghe, họ có thể gắn bó lâu dài với công ty thay vì tìm kiếm cơ hội mới.

Bình luận