Sống chất 19/2: Học thêm trong kỉ nguyên AI

VOH – Giáo dục hiện nay, việc học thêm đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của nhiều học sinh và gia đình. Tuy nhiên, trong bối cảnh số và kỷ nguyên AI, nhiều việc đã thay đổi.

Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có hiệu lực từ ngày 14/2/2025, đã đưa ra những quy định mới nhằm điều chỉnh hoạt động dạy thêm, học thêm, đã và đang đặt ra nhiều câu hỏi về tác động của việc này đối với học sinh.

Trên thực tế, tình trạng dạy thêm, học thêm vẫn diễn ra tràn lan gây nhiều hệ lụy. Nhiều phụ huynh lo lắng con mình không theo kịp bạn bè, nên ép con đi học thêm bằng mọi giá.

Họ quên rằng, mỗi đứa trẻ có một khả năng và tốc độ học tập khác nhau. Một số trường học tạo áp lực cho học sinh phải học thêm để đạt điểm cao, thậm chí có giáo viên còn "dọa" học sinh nếu không học thêm. Xã hội thì ngày càng coi trọng bằng cấp, khiến nhiều phụ huynh và học sinh bị ám ảnh bởi điểm số, dẫn đến việc học thêm trở thành một "cuộc đua" không hồi kết.

voh-thumb-48
Tận dụng Al trong giáo dục, giúp con em mình phát huy hơn, chứ không lạm dụng và dựa vào nó quá nhiều. Ảnh: minh hoạ

Thời đại đã đổi khác, việc học tập không còn giới hạn trong những bức tường lớp học hay những buổi học thêm dày đặc. Internet và các công cụ AI đã mang đến cho học sinh vô vàn cơ hội tiếp cận kiến thức một cách dễ dàng và thú vị hơn.

Có các nền tảng ứng dụng phân tích điểm mạnh, điểm yếu của từng học sinh từ đó có thể đưa ra kế hoạch học tập phù hợp như: Khan Academy, Coursera hay Duolingo đều sử dụng AI để hỗ trợ học tập hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, các công cụ như ChatGPT, Socratic hay Google Bard có thể giúp các em giải đáp thắc mắc, gợi ý cách tư duy và cung cấp tài liệu tham khảo một cách nhanh chóng. Với ứng dụng như Quizlet, Anki giúp các em ghi nhớ kiến thức lâu hơn thông qua phương pháp lặp lại cách quãng.

Việc tiếp tận các ứng dụng, công cụ Al là phương pháp "tự học thêm" thời đại nhưng các bậc phụ huynh vẫn phải để con trẻ được phát huy tính tự học, sáng tạo, tìm hiểu. Rèn luyện tư duy phản biện, không chỉ tiếp thu kiến thức thụ động, các em nên tập đặt câu hỏi, tự tìm hiểu vấn đề trước khi nhờ đến sự giúp đỡ. Chọn lọc những phương pháp như ghi chép thông minh. Ngoài ra khuyến khích các con mình đọc thêm những cuốn sách giúp mở rộng kiến thức và rèn luyện tư duy logic như: Tư duy nhanh và chậm, Mindset có thể giúp các em thay đổi cách tiếp cận việc học.

Thay vì chỉ làm bài tập trên lớp, học sinh có thể tham gia các cuộc thi khoa học, lập trình hoặc nghiên cứu những vấn đề thực tế. Nếu học toán, có thể áp dụng để quản lý tài chính cá nhân của bản thân, nếu học ngoại ngữ, có thể luyện nói thông qua các ứng dụng giao tiếp với người bản ngữ. Bên cạnh kiến thức, kỹ năng làm việc nhóm, tư duy sáng tạo, quản lý thời gian và giao tiếp cũng rất quan trọng trong thời đại AI.

AI không phải là mối đe dọa mà là một công cụ hỗ trợ đắc lực trong học tập. Thay vì chạy theo các lớp học thêm truyền thống, phụ huynh và học sinh nên tận dụng công nghệ để học tập hiệu quả hơn, từ đó phát triển khả năng tự học, tư duy độc lập và chuẩn bị tốt nhất cho tương lai.

Bình luận