Chờ...

Thực hư chuyện thuốc giải rượu, thuốc tránh thai ‘thổi bay’ nồng độ cồn?

(VOH) - Những loại thuốc được quảng cáo giúp ‘đánh bay nồng độ cồn’, ‘giải rượu bia thần tốc’, ‘xả nhanh lượng cồn’... hay mẹo uống thuốc tránh thai khẩn cấp giải rượu có hiệu quả hay không?

Đánh vào tâm lý tài xế, dân nhậu sợ bị phạt khi điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, gần đây trên thị trường xuất hiện rất nhiều loại thuốc được quảng cáo là “đánh bay” nồng độ cồn. Thậm chí, dân mạng còn truyền tai nhau mẹo uống thuốc tránh thai khẩn cấp để giải rượu bia. Thực hư ra sao?

Chưa có thuốc nào có thể “thổi bay” nồng độ cồn

Cục Quản lý dược, Bộ Y tế cho biết biết chưa một sản phẩm dược phẩm nào được cấp phép lưu hành tại Việt Nam có công dụng “thổi bay” nồng độ cồn sau khi uống rượu bia.

Thế giới cũng chưa có loại thuốc nào chứng minh được công dụng này.

Hiện nay chỉ có một số loại thực phẩm chức năng có tác dụng hỗ trợ quá trình chuyển hóa, làm tăng việc đào thải qua gan, giảm hấp thu rượu chứ không thể làm hết nồng độ cồn trong máu và hơi thở. 

Thuốc giải rượu, thuốc tránh thai ‘thổi bay’ nồng độ cồn? 1
Ảnh: Getty Images

Theo các chuyên gia, có một số thuốc gây cảm ứng enzym gan, giúp gan tăng cường chuyển hóa, đào thải rượu. Tuy nhiên, loại thuốc này phải chỉ được dùng trong cấp cứu y khoa (nghiện rượu, ngộ độc…) với sự chỉ định của bác sĩ. Quá trình sử dụng thuốc cũng phải được theo dõi chặt chẽ tại cơ sở y tế vì có thể gây ra phản ứng nguy hại cho sức khỏe.

Chuyên gia khuyến cáo, dù vậy, nồng độ cồn cũng không thể được “thổi bay” trong chốc lát.

Như vậy, không có thuốc “đánh bay” nồng độ cồn. Các loại thực phẩm chức năng mà người tiêu dùng gọi là thuốc giải rượu chỉ ức chế sự hấp thu rượu, tăng đào thải. Nó cũng không có tác dụng phục hồi hay bảo vệ các cơ quan bị rượu tác động. Nếu uống quá thường xuyên hoặc quá liều còn có thể dẫn đến rủi ro tăng men gan hay gặp các tác dụng phụ khác.

Uống thuốc tránh thai khẩn cấp không thể giải rượu bia

Thuốc tránh thai không thể giải được rượu, cũng không có bất kỳ mối liên quan nào giữa chuyển hóa cồn với các thành phần của thuốc. Vấn đề này chưa có số liệu khoa học và cũng không có khuyến cáo nào về việc uống thuốc tránh thai khẩn cấp để giải rượu, Thạc sĩ, bác sĩ Phan Chí Thành (Chánh văn phòng Trung tâm đào tạo - Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương) khẳng định.

Thuốc giải rượu, thuốc tránh thai ‘thổi bay’ nồng độ cồn? 2
Ảnh: Getty Images

Bác sĩ Thành cho biết, bản chất thuốc tránh thai khẩn cấp là các chất nội tiết tố, đặc biệt là progesterone - hormone phụ nữ mang thai tiết ra để ngăn trứng không rụng, từ đó không thể tiếp tục thụ thai. Thuốc tránh thai khẩn cấp cung cấp một lượng lớn nội tiết tố progesterone vào cơ thể để “bắt chước” quá trình này.

Tuy nhiên, các thuốc nội tiết tố đường uống sẽ được chuyển hóa qua gan. Khi chúng ta uống rượu bia, gan đã phải làm việc rất vất vả để chuyển hóa ethanol. Nếu uống thêm thuốc tránh thai khẩn cấp, gan có thể bị quá tải do phải gánh thêm phần chuyển hóa progesterone, nguy cơ gây bệnh lý về gan cao hơn.

Chưa kể, việc đàn ông lạm dụng thuốc tránh thai, tự bổ sung hormone nữ giới vào cơ thể cũng không tốt. 

Bác sĩ Thành cảnh báo thêm, rượu làm giảm lượng glucose trong máu, dẫn tới chóng mặt ở người say. Uống rượu, bia khiến chúng ta mệt mỏi, mất nước nên càng nôn nao, đau đầu. Uống thuốc tránh thai vào thời điểm này có thể gây ngộ độc, nguy hiểm tính mạng.

Vì vậy, người dân tuyệt đối không truyền tai nhau hoặc áp dụng các mẹo giải rượu không rõ nguồn gốc, gây hại sức khỏe.