Khi nỗi sợ trở thành làn sóng xã hội
Mạng xã hội đang dậy sóng với hàng loạt bài đăng cảnh báo về các vụ bắt cóc trẻ em. Nổi bật là những cảnh báo về những chiếc “xe lạ” xuất hiện gần trường học, khu dân cư. Chỉ cần một người đăng tải hình ảnh một chiếc ô tô khả nghi lên mạng, lập tức hàng nghìn người chia sẻ, cảnh báo nhau về “xe bắt cóc”. Rùng rợn hơn là chiếc xe bí ẩn đi đến đâu là xuất hiện những đoạn video giật gân quay cảnh người lạ bị đám đông vây bắt vì nghi ngờ "bắt cóc", tất cả đều đang khiến dư luận hoang mang. Nhiều bậc cha mẹ siết chặt quản lý con cái, người dân trở nên cảnh giác cực đoan, thậm chí có trường hợp đánh nhầm người vô tội chỉ vì một nghi ngờ vô căn cứ. Nhưng liệu đây có phải là một hiểm họa thực sự hay chỉ là một cơn bão tin giả?
Tin đồn hay sự thật? Những con số biết nói
Theo xác nhận từ cơ quan chức năng, không có bằng chứng xác thực nào về các vụ bắt cóc hàng loạt như lời đồn thổi trên mạng xã hội. Nhiều trường hợp thực chất chỉ là hiểu lầm hoặc thông tin bị thổi phồng quá mức. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hơn chính là tâm lý hoang mang đang lan rộng, khiến nhiều bậc phụ huynh rơi vào trạng thái lo sợ, thậm chí có những hành vi phản ứng thái quá.
Theo thống kê từ Bộ Công an, số vụ mất tích tại Việt Nam không có sự gia tăng đột biến như những gì đang được lan truyền. Các cơ quan chức năng cũng đã lên tiếng bác bỏ nhiều thông tin sai lệch về những vụ bắt cóc hàng loạt.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng những vụ mất tích cá biệt vẫn xảy ra, đặc biệt là ở các thành phố lớn, nơi trẻ em dễ bị kẻ xấu lợi dụng. Nhưng thay vì hoảng loạn, chúng ta cần đặt câu hỏi: Những thông tin nào là thật? Và ai đang hưởng lợi từ làn sóng tin đồn này?

Hàng loạt bài đăng chiếc xe bắt cóc vô căn cứ được đăng tải lên mạng xã hội khiến dư luận hoang mang.
Nhiều người bị hiểu nhầm chỉ vì chạy "xe lạ"
Không ít tài xế rơi vào tình huống dở khóc dở cười khi bỗng nhiên bị nghi ngờ là kẻ bắt cóc chỉ vì lái một chiếc xe trông “khác thường” hoặc đơn giản là xuất hiện sai thời điểm.
Một tài xế kể lại: "Tôi dừng xe gần cổng trường đón khách, vừa mở cửa thì có người chụp ảnh rồi đăng lên Facebook nói đây là xe bắt cóc. Đến lúc có công an vào cuộc, người đăng bài mới gỡ xuống, nhưng khi đó tôi đã bị hàng trăm bình luận chửi bới, thậm chí có người tìm đến tận nhà đòi xử lý!"
Thậm chí là chiếc xe giao hàng của các bác bán hàng cho đại lý cũng bị đồn là xe bắt cóc khiến nhiều bác tài dỡ khóc dỡ cười. Mặc dù đã giải thích và có lên bài đính chính chiếc xe của mình không phải là xe bắt cóc, nhưng cộng đồng mạng vẫn không tin và vô vàn bình luận dưới bài đăng.
Những câu chuyện này không phải là cá biệt. Chỉ cần một chiếc xe không quen thuộc xuất hiện gần khu vực nhạy cảm, nó có thể nhanh chóng bị quy chụp là “xe bắt cóc” mà không cần bằng chứng xác thực.

Mặc dù đã được đính chính nhưng cộng đồng vẫn không tin và vẫn nghi ngờ đó là chiếc xe bắt cóc chứ không phải xe chở phân.
Vì sao chúng ta dễ rơi vào hiệu ứng "xe bắt cóc"?
Thứ nhất, khi một thông tin gây hoang mang được chia sẻ liên tục, nó tạo ra hiệu ứng đám đông, khiến nhiều người tin rằng “đâu đâu cũng có nguy hiểm.” Thứ hai, khi ai đó đã tin vào một điều gì, họ sẽ tìm kiếm bằng chứng để củng cố niềm tin đó. Nếu đã tin có xe bắt cóc, họ sẽ dễ dàng xem bất kỳ chiếc xe nào là “khả nghi.” Và cuối cùng là những bài đăng cảnh báo có hình ảnh, video thường dễ thu hút sự chú ý và lan truyền mạnh mẽ, bất kể nội dung có chính xác hay không.
Từ những yếu tố đó khiến chúng ta dễ tin vào những thông tin không chính xác, chưa được kiểm chứng và tự tao ra cho mình tâm lý khoang mang, lo sợ
Hậu quả khôn lường từ những tin đồn vô căn cứ
❌ Người vô tội bị nghi oan, bị tấn công
Nhiều trường hợp tài xế, người đi đường bị hành hung, đập phá xe vì bị nghi là “bắt cóc” dù không có bằng chứng. Điều này có thể dẫn đến hành vi bạo lực, gây hậu quả pháp lý nghiêm trọng.
❌ Gây hoang mang không cần thiết
Những tin đồn sai sự thật khiến nhiều phụ huynh lo sợ quá mức, hạn chế sự tự do của trẻ em và tạo ra không khí căng thẳng trong xã hội.
❌ Cơ quan chức năng bị phân tán nguồn lực
Thay vì tập trung xử lý các vụ án có thật, cảnh sát phải liên tục xác minh những tin đồn thất thiệt, gây lãng phí thời gian và công sức.

Chiếc xe bị "nghi ngờ" là xe bắt cóc cũng có những "thông điệp dễ thương" dán lên cửa xe đính chính là xe này không phải xe bắt cóc, chỉ là xe chở hàng bình thường.
Làm sao để không bị cuốn vào cơn bão khoang mang?
- Kiểm chứng trước khi chia sẻ: Không nên tin ngay vào một bài đăng trên Facebook hay TikTok mà không có nguồn đáng tin cậy.
- Không quy chụp, kết tội khi chưa có bằng chứng: Một chiếc xe đỗ gần trường học không có nghĩa là xe bắt cóc, một người nhìn trẻ con không có nghĩa là kẻ xấu.
- Bình tĩnh và xử lý đúng cách: Nếu nghi ngờ có dấu hiệu bất thường, hãy báo ngay cho cơ quan công an thay vì tự ý hành động theo cảm tính.
- Tránh hiệu ứng đám đông: Đừng để tâm lý sợ hãi của người khác ảnh hưởng đến suy nghĩ của mình. Cảnh giác là tốt, nhưng hoảng loạn không phải là cách giải quyết vấn đề.
Bắt cóc là vấn đề nghiêm trọng và luôn cần sự cảnh giác, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta nên nhìn ai cũng nghi ngờ, thấy xe nào cũng cho là "xe bắt cóc". Nếu không tỉnh táo, chúng ta có thể vô tình gây ra những hậu quả tiêu cực, làm ảnh hưởng đến người vô tội và khiến xã hội rơi vào tình trạng hoang mang không cần thiết.
Hãy là sử dụng mạng xã hội thông tin thông minh! Hãy Đừng để nỗi sợ che mờ lý trí - kiểm chứng trước khi tin và hãy tỉnh táo trước khi chia sẽ.
Hãy cùng Từ Điển Số chung tay xây dựng một không gian mạng an toàn, nơi sự thật được tôn trọng và nỗi sợ vô căn cứ không có cơ hội lấn át lý trí.