Tiêu điểm: Nhân Humanity

Vì sao rắn độc đứt đầu vẫn có thể cắn người?

(VOH) – Đoạn clip vừa là minh chứng cho việc rắn độc đứt đầu vẫn có thể cắn người vừa là lời cảnh báo mọi người tuyệt đối không được chủ quan.

Đoạn clip ghi lại phản ứng của một con rắn đuôi chuông sau khi bị chặt đứt đầu đã “gây sốt” trên mạng xã hội Reddit. Không chỉ khiến người xem phải rùng mình, video này còn cho mọi người thấy lý do vì sao rắn độc đứt đầu vẫn có thể cắn người, thậm chí là gây nguy hiểm đến tính mạng.

Chủ nhân của đoạn clip cho biết, con rắn đuôi chuông được anh phát hiện ở vườn nhà. Vì lo ngại nó sẽ gây nguy hiểm cho các thành viên trong gia đình nên anh đã dùng xẻng chặt đứt đầu con rắn.

 Video: Reddit

Sau khi bị chặt đứt đầu, phần thân con rắn liên tục ngoe nguẩy. Tuy nhiên, cảnh tượng sau đó mới thực sự khiến người xem bị sốc. Khi phần thân của con rắn vô tình đụng phải chiếc đầu bị chặt đứt ở gần đó, ngay lập tức, phần đầu tung ra cú cắn đáng sợ khiến phần thân vùng vẫy trong đau đớn.

Một người dùng mạng xã hội Reddit bình luận: “Nếu ai vô tình chạm vào đầu rắn trong trường hợp này hoàn toàn có thể bị con vật cắn chết”.

Trên thực tế, có không ít trường hợp bị phần đầu rắn đã chặt lìa khỏi thân cắn gây nguy hiểm đến tính mạng.

Năm 2018, sau khi chặt đầu một con rắn hổ mang Đông Dương, đầu bếp họ Bàng (Trung Quốc) đã bị đầu rắn cắn trúng tay khi bỏ chiếc đầu vào thùng rác. Nghĩ vết cắn không nguy hiểm do con rắn đã chết (con rắn bị chặt đầu trước đó 20 phút) nên vị đầu bếp không đến bệnh viện. Kết quả là không lâu sau đó, đầu bếp họ Bàng tử vong.

Năm 2020, một người đàn ông sống tại bang Texas (Mỹ) bị đầu rắn đuôi chuông cắn vào tay sau khi chặt đứt đầu con rắn và nhặt chúng để vứt đi. Người này nhập viện trong tình trạng nguy kịch nhưng may mắn được cứu sống sau một tuần chăm sóc đặc biệt.

Vì sao rắn độc đứt đầu vẫn có thể cắn người? 1
Rắn bị chặt đứt đầu vẫn còn khả năng cắn và tiêm nọc độc - Ảnh: Internet

Chuyên gia về rắn Yang Hong Chang (Đài Loan) cho biết tất cả các loài bò sát vẫn có thể hoạt động được hơn 1 giờ sau khi đã mất một phần bộ phận hoặc thậm chí là chỉ còn lại phần đầu.

"Khi con rắn bị mất đầu, về cơ bản các chức năng của cơ thể đã chấm dứt, nhưng vẫn còn một số hành động theo phản xạ tự nhiên. Điều này đồng nghĩa với việc con rắn có thể cắn và tiêm nọc độc ngay cả khi chỉ còn lại phần đầu", vị chuyên gia nói.

Theo ông Yang, tuyến nọc của rắn độc nằm hoàn toàn trong phần đầu nên khi chúng bị cắt đứt đầu, tuyến nọc vẫn có thể hoạt động và bơm nọc qua răng nanh như bình thường.

Đó là lý do vì sao người bị đầu rắn độc cắn cũng có thể bị nguy hiểm đến tính mạng.

Giáo sư sinh học Steven Beaupré (Đại học Arkansas, Mỹ) cảnh báo khi một loài rắn độc bị chặt đầu chúng ta không nên dùng tay cầm vào phần đầu vì “rắn là loài nổi tiếng với khả năng duy trì phản xạ sau khi chết”. Đặc biệt là khi phản xạ cắn ở rắn độc mạnh hơn một số loài ăn thịt khác. Chúng chỉ dùng một nhát cắn trong thời gian rất nhanh.

“Rắn độc bị chặt đầu không đồng nghĩa với việc các dây thần kinh của chúng ngừng hoạt động. Phần đầu rắn sẽ tiếp tục tấn công về phía có mối đe dọa", giáo sư Beaupré cho hay.

Đoạn clip nói trên là một minh chứng cho việc rắn độc bị đứt đầu vẫn có thể cắn người và gây nguy hiểm tới tính mạng. Ngoài ra, nó cũng là lời nhắc nhở mọi người cần đề cao cảnh giác, tuyệt đối không cầm, nắm, chạm vào phần đầu rắn độc dù nó đã bị cắt lìa khỏi cơ thể.

Bình luận