Ẩm thực là một phần không thể thiếu trong đời sống của mỗi dân tộc, mỗi dân tộc đều có những nét ẩm thực đặc trưng thể hiện màu sắc, văn hóa ở nơi đó. Đây là cầu nối đưa văn hóa, tinh hoa và bản sắc dân tộc đến gần hơn với mọi người. Việt Nam kỳ thú hôm nay đến với vùng núi Tây Bắc tìm hiểu về ẩm thực ở đây có gì hấp dẫn khiến cho ai từng thưởng thức cũng khó quên.
Xôi nếp ngũ sắc - Hương vị truyền thống
Khi bạn đặt chân đến những bản làng Tây Bắc giữa khung cảnh hùng vĩ của núi rừng sẽ có một món ăn làm bạn nhớ mãi – đó chính là Khẩu Cẳm hay còn gọi là xôi nếp ngũ sắc. Đây không là một món ăn đơn thuần mà là một phần của linh hồn văn hóa, tâm linh của người Thái. Khẩu Cẳm được chế biến từ gạo nếp, loại gạo có độ dẻo, thơm đặc trưng kết hợp với kỹ thuật nấu nướng truyền thống qua bàn tay khéo léo của những người phụ nữ Thái.
Sự hấp dẫn của món xôi này đến từ những sắc màu tự nhiên các loại lá cây. Màu đỏ được nhuộm từ lá gấc tượng trưng cho sự may mắn và hạnh phúc. Màu vàng từ lá cẩm thạch đại diện cho phú quý và sự sung túc. Màu tím dịu dàng từ lá mâm xôi thể hiện lòng tôn kính đối với tổ tiên. Màu xanh thuần khiết của lá dứa như một lời cầu chúc bình an và sự thanh thản cho gia đình. Màu trắng của gạo thể hiện sự chân thành, trong sáng. Mỗi màu sắc đều mang trong mình những ý nghĩa sâu sắc phản ánh những giá trị văn hóa tinh tế của người Thái.

Đối với người dân vùng cao, xôi nếp ngũ sắc là biểu tượng của ngũ hành trong vũ trụ. Mỗi màu sắc trong món xôi này mang một ý nghĩa tượng trưng riêng biệt: Màu trắng đại diện cho hành kim, màu xanh là màu của hành mộc, màu tím tượng trưng cho hành thủy, màu đỏ thể hiện hành hỏa còn màu vàng là màu của hành thổ. Người dân nơi đây tin rằng sự hòa hợp của những yếu tố này tạo nên sự cân bằng và tươi tốt cho cả thiên nhiên, đất trời và con người, phản ánh quan niệm sâu sắc về mối liên hệ mật thiết giữa vạn vật trong vũ trụ.

Trong mỗi dịp lễ, cưới hỏi hay nhà mới, người Thái sẽ dùng xôi nếp ngũ sắc dâng lên tổ tiên như một cách để kết nối với tổ tiên, với đất trời và với những thế hệ đi trước thể hiện sự biết ơn đối với những gì đã được truyền lại. Khi thưởng thức xôi nếp ngũ sắc, bạn sẽ cảm nhận được sự giao hòa tuyệt vời giữa con người và thiên nhiên, giữa những gì giản dị mà sâu sắc. Đây chính là một trong những món ăn không thể thiếu nếu bạn muốn hiểu thêm về đời sống tinh thần của người Thái Tây Bắc.
Cơm lam Tây Bắc
Bên cạnh xôi ngũ sắc, món cơm lam – một món ăn đơn giản nhưng đậm đà. Cơm lam được làm từ gạo nếp cho vào những ống tre, giang, nứa rồi đem nướng trên lửa. Khi cơm chín, lớp vỏ bên ngoài cháy đen được khéo léo bóc bỏ để lại phần cơm dẻo thơm, hòa quyện với hương tre, gỗ tự nhiên.
Cơm lam thường được ăn kèm với thịt gà hoặc thịt lợn rừng nướng, những nguyên liệu tươi ngon được nướng trong ống tre tạo nên một hương vị rất riêng. Tuy nhiên cơm lam đạt đến độ hoàn hảo nhất khi ăn với muối vừng, sự kết hợp giữa vị mặn của muối và béo ngậy của vừng tạo nên một món ăn khiến ai đã thử một lần sẽ không thể quên.
Pa Pỉnh Tộp – Hương Vị Núi Rừng
Một trong những món ăn nổi bật mang đậm dấu ấn văn hóa và truyền thống của người Thái Tây Bắc chính là Pa Pỉnh Tộp – món cá úp nướng thơm ngon khó quên. Để làm món ăn này, người Thái chọn những con cá chép tươi ngon thường là cá có kích thước lớn từ 0,5 kg trở lên đảm bảo thịt cá chắc và ngọt. Cá được mổ dọc sống lưng thay vì mổ bụng như thông thường, cách mổ này giúp cá giữ được hình dáng đẹp mắt khi nướng và gia vị dễ dàng ngấm đều vào từng thớ thịt.

Tiếp theo, cá được nhồi một hỗn hợp gia vị đặc biệt, kết hợp các nguyên liệu thiên nhiên như mắc khén, thảo quả, gừng, ớt tạo nên một hương vị đặc trưng không thể nhầm lẫn. Mắc khén, loại gia vị rừng của người Thái mang đến một hương thơm nồng nàn, cay nồng đặc trưng.
Những gia vị này được giã nhuyễn rồi nhồi vào bụng cá, cá được đặt lên than hồng đỏ rực, nướng đều tay cho đến khi da cá chuyển sang màu vàng ruộm, giòn rụm, trong khi thịt bên trong lại mềm mại và ngọt ngào. Khi ăn thực khách sẽ cảm nhận được sự hòa quyện tuyệt vời giữa vị ngọt tự nhiên của cá, sự cay nồng của mắc khén và thảo quả cùng với hương thơm tươi mát của gừng và ớt tạo nên một món ăn vừa đơn giản, vừa đầy đặn hương vị.

Pa Pỉnh Tộp là món ăn quen thuộc trong bữa cơm hàng ngày vị ngon ngọt đậm đà, kết hợp với hương vị của thiên nhiên làm cho món Pa Pỉnh Tộp trở thành một biểu tượng văn hóa ẩm thực đặc sắc của đồng bào Thái để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng những ai đã từng một lần thưởng thức.
Rượu Cần – Tinh hoa văn hóa người Thái
Một trong những đặc sản độc đáo và không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người Thái chính là rượu cần. Rượu cần là biểu tượng của sự đoàn kết, tôn vinh những giá trị văn hóa sâu sắc trong các dịp lễ hội, cưới xin hay khi vào nhà mới.
Quy trình làm rượu cần vô cùng tỉ mỉ và cầu kỳ, bắt đầu từ nguyên liệu chính là gạo hoặc sắn. Gạo hoặc sắn được lựa chọn kỹ lưỡng, sau đó được lên men tự nhiên với men làm từ các loại lá cây rừng bao gồm những loài cây mang tên đặc trưng như "bơ hinh ho", "khi mắc cái", củ riềng, lá trầu không… Những nguyên liệu này được giã nhuyễn với gạo tấm, hòa quyện với nhau để tạo ra một loại men đặc biệt giúp rượu lên men và mang hương vị đặc trưng.

Khi đã giã xong, hỗn hợp được ủ trong rơm rạ, qua quá trình ủ lâu dài men rượu phát triển và làm ra một loại rượu có vị ngọt nhẹ, dễ uống và mùi thơm tự nhiên đặc biệt khiến người thưởng thức không thể quên được. Những buổi gặp gỡ bạn bè, người thân hay những dịp trọng đại mọi người tụ họp lại cùng nhau, uống chung một ống trúc tạo nên không khí ấm cúng, thân mật, gắn kết mọi người.
Trong văn hóa của người Thái, con trâu mang ý nghĩa sâu sắc về sự phồn thịnh và may mắn. Vì vậy sừng trâu được sử dụng làm dụng cụ đo lường khi uống rượu cần thể hiện sự tôn kính đối với loài vật quý giá này. Một người sẽ cầm sừng trâu mời từng khách hoặc nhóm khách và mỗi người hoặc nhóm sẽ thay phiên nhau uống. Rượu cần đã trở thành đời sống tinh thần của người Thái, khắc họa đậm nét bản sắc dân tộc và tinh thần cộng đồng.

Ẩm thực Tây Bắc cho thấy những giá trị văn hóa sâu sắc của các dân tộc bản địa, minh chứng cho mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên. Mỗi món ăn của người Thái, từ xôi nếp ngũ sắc, cơm lam cho đến các món cá nướng và thịt gác bếp đều chứa đựng một câu chuyện riêng biệt và mang đậm bản sắc văn hóa.
Mỗi món ăn như một thông điệp từ đất trời mang theo những câu chuyện lịch sử, những phong tục tập quán và những kỷ niệm về một vùng đất giàu bản sắc.
Khi bạn ghé thăm Tây Bắc, đừng bỏ qua cơ hội để trải nghiệm những món ăn này. Ẩm thực không chỉ để thưởng thức mà còn là cách để bạn cảm nhận, hiểu và yêu mến một vùng đất đầy những giá trị văn hóa đặc sắc. Nơi mỗi bữa ăn đều là một phần của hành trình khám phá tinh thần và tình cảm của con người nơi đây.