Không hề xa lạ với những thương hiệu bánh Trung Thu nổi tiếng trên thị trường nhưng nhiều người trẻ lại tìm niềm vui bằng việc “lăn vào bếp” để tập tành tự làm những chiếc trong ngày Tết đoàn viên.
Tình cảm trong chiếc bánh tự làm và trao tặng
Tết Trung Thu hay còn gọi là Tết đoàn viên, không thể thiếu hình ảnh cả gia đình ngồi quây quần thưởng trăng, ăn bánh và uống trà. Đây là ngày không chỉ trẻ em mà cả người lớn đều yêu thích và việc tự tay làm bánh Trung Thu tặng những người mình thương yêu mang một ý nghĩa hơn cả.
Mỗi chiếc bánh tự làm bánh đều chứa đựng tình cảm thiêng liêng của người làm bánh. Từ các công đoạn chuẩn bị nguyên liệu, nặn bánh cho tới khi nướng bánh đều được người thợ cân đo đong đếm tỉ mỉ sao cho thật phù hợp với người được tặng bánh.
“Tự mình làm bánh sẽ có không khí Trung Thu và làm bánh tặng người thân thì sẽ cảm thấy ý nghĩa hơn, khi làm bánh mình sẽ dựa vào sở thích của người mình sẽ tặng mà làm” - chị Trần Anh Thư, thành viên của Học viện Bếp Bánh, sống tại Nhật bày tỏ.
Chị cũng nói thêm, khi làm cho ba mẹ, người lớn tuổi chị sẽ giảm độ ngọt, giảm một số thành phần để đảm bảo về mặt dinh dưỡng cũng như sức khỏe để ba mẹ, ông bà chị có thể thỏa sức ăn mà không lo ngại về vấn đề sức khỏe. Ngoài ra, những chiếc bánh làm thủ công còn có thể ứng biến, tùy chỉnh theo sở thích và mục đích của người làm bánh và đảm bảo được nguồn gốc.
Chị Phạm Thoa, ngụ tại Hà Nội chia sẻ: “Mình chọn cách làm bánh thủ công vì nguyên liệu do chính tay mình lựa chọn sẽ đảm bảo được nguồn gốc xuất xứ, khi trao tặng món quà này đến người thân mọi người cũng cảm nhận được tình cảm của mình hơn. Điều quan trọng nhất khi làm bánh là có thể thỏa sức sáng tạo bánh theo ý muốn của bản thân và tạo ra hương vị của riêng mình”.
Ngoài ra, việc tự làm bánh còn giải quyết mọi nỗi lo của những người ăn kiêng. Chị Nguyễn Thị Tươi (19 tuổi, sinh viên Trường Đại học Nông Lâm) chia sẻ: “Mình rất thích ăn bánh Trung Thu nhưng ngại độ ngọt của bánh mua ở ngoài, khi làm bánh mình có thể tự điều chỉnh vị ngọt cũng như các thành phần của bánh theo sở thích và phù hợp với chế độ ăn kiêng của mình”.
Bí quyết làm bánh Trung Thu ngon
Bên cạnh những thành phẩm bánh Trung Thu hoàn hảo để tặng người thân là những câu chuyện dở khóc, dở cười mà mỗi người gặp phải trong ngày đầu tập tành làm bánh.
“Lần đầu làm bánh Trung Thu mình nướng bánh chưa chín nhưng không biết, thế mà cả nhà vẫn tấm tắc khen ngon” - chị Phạm Thoa cười nói.
Còn với chị Anh Thư, lần đầu làm bánh đã "toang" vì khi làm bánh, chị quét trứng lúc bánh còn nóng và bánh bị nứt mặt, sên nhân thì bị tách dầu.
Để làm ra một chiếc bánh Trung Thu phải trải qua nhiều công đoạn với các bước khác nhau, từ nấu nước đường, làm các nguyên liệu như mứt mỡ, chà bông, sên nhân nhuyễn, nặn bánh... Theo chị Thoa và chị Thư công đoạn khó nhất vẫn là sên nhân.
Xem thêm: Lưu ngay cách làm bánh Trung thu dẻo khiến người ăn mê đắm
Chị Anh Thư nhắc nhở: “Làm bánh Trung Thu tương đối khó, cần chú ý sên nhân cho đạt, nhân không được tách dầu, lúc gói bánh phải chắc tay để không có không khí giữa lớp vỏ và nhân, nếu có không khí thì nướng bánh sẽ bị phồng và mất nét. Quét trứng phải quét lúc bánh nguội hẳn, nếu không bánh sẽ bị nứt mặt”.
Để làm được bánh Trung Thu ngon, theo Trần Thị Tươi: “Người làm cần phải tỉ mỉ, khéo tay, phải thật kiên nhẫn, cân đo đong đếm đúng tỷ lệ và phải trau chuốt trong từng sản phẩm nữa, nói chung làm bánh Trung Thu không dễ, nhưng cũng không khó chỉ cần bỏ cái tâm vào làm là được”.
Chị Thoa cũng bật mí: “Năm nay mình mang tặng bánh một số bạn bè, người thân, thậm chí là bán được một ít... mọi người nhận bánh đều khen bánh đẹp và ngon khiến mình rất vui không bỏ công mình ngồi tỉ mỉ làm từng bông hoa, chiếc lá”. Chị Thoa cũng gửi lời chúc cho mọi nhà có một Trung Thu đoàn viên thật đầm ấm và hạnh phúc, đặc biệt là lời cầu an yên cho tất cả các bé thiếu nhi.