Nỗ lực mang đến sự trải nghiệm thú vị cho du khách (P2)

(VOH) - Trong nhiều tháng qua, doanh nghiệp cùng với ngành du lịch nghiên cứu, đầu tư những sản phẩm hấp dẫn nhằm thu hút du khách trở lại sau hơn 2 năm vắng bóng.

Với niềm tin, kỳ vọng Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh, là địa điểm an toàn để du khách lựa chọn khi du lịch mở cửa trở lại, trong nhiều tháng qua các doanh nghiệp cùng với ngành du lịch tại Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh thành đã, đang và sẽ nghiên cứu, đầu tư cho ra đời những sản phẩm hấp dẫn nhằm thu hút và giữ chân du khách trở lại sau hơn 2 năm vắng bóng.

Trong nhiều tháng qua, doanh nghiệp cùng với ngành du lịch nghiên cứu, đầu tư những sản phẩm hấp dẫn nhằm thu hút du khách trở lại sau hơn 2 năm vắng bóng.
Doanh nghiệp cùng với ngành du lịch nghiên cứu, đầu tư những sản phẩm hấp dẫn nhằm thu hút du khách trở lại sau hơn 2 năm vắng bóng.

Trong lần mở cửa đón khách quốc tế trở lại lần này, Thành phố Hồ Chí Minh có những thuận lợi như việc tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 mũi 2 đạt gần 100%, là điểm đến được khách quốc tế truy cập nhiều nhất trên Google, cùng với đó là giá cả mua sắm tại thành phố tương đối thấp so với các thành phố lớn trong khu vực. Ngoài ra, Thành phố Hồ Chí Minh còn có nguồn tài nguyên du lịch dồi dào, đa dạng loại hình du lịch. Từ du lịch mua sắm, y tế, tham quan, giải trí, đến du lịch sinh thái, du lịch sông nước Cần Giờ, hay du lịch lịch sử Địa đạo Củ Chi, du lịch đường thủy bằng buýt sông, tàu cao tốc…tất cả đang sẵn sàng cho một hành trình mới. Theo bà Bùi Thị Ngọc Hiếu – Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, để đạt mục tiêu đón 3,5 triệu khách quốc tế đến Thành phố trong năm 2022 này, Sở Du lịch đã đề ra những lộ trình và những kế hoạch triển khai các sản phẩm rất đa dạng. “TPHCM đã công bố 366 tài nguyên du lịch, 6 tour mới, đồng thời xây dựng các tour du lịch mà trước đây ít có như đường thủy, kết hợp đường thủy. Sắp tới chúng tôi đang phối hợp khai thác tour tham quan thành phố bằng trực thăng. Đây là sản phẩm được kỳ vọng thu hút khách trong nước lẫn quốc tế”, bà Hiếu cho biết thêm.

Với tinh thần chủ động, linh hoạt thích ứng với tình hình mới, các doanh nghiệp du lịch Thành phố cũng đã cho ra đời nhiều sản phẩm mới, đồng thời làm mới các sản phẩm đã có. Theo dự báo của các doanh nghiệp thì phân khúc du lịch MICE (du lịch theo đoàn - kết hợp hội nghị, hội thảo) sẽ thu hút nhiều khách đến Thành phố trong thời gian tới. Ông Trần Đoàn Thế Duy - Tổng Giám đốc Vietravel cho biết, ngay sau khi Chính phủ cho phép mở cửa đón khách quốc tế thì đơn vị đã làm việc với các đối tác nước ngoài thông qua Đại sứ quán để giới thiệu các sản phẩm du lịch mới. “Tham gia hội chợ, hội thảo, tham gia các đoàn đi trực tiếp đến các nước thị trường nguồn để xúc tiến. Ngoài ra chúng tôi đã kết hợp với Đại sứ quán một số nước để lên kế hoạch xúc tiến du lịch đến Thành phố cũng như Việt Nam”, ông Duy nói.

Mới đây thì TP cũng chính thức khánh thành và đưa vào sử dụng công viên bến Bạch Đằng sau thời gian cải tạo, đây được kỳ vọng là điểm nhấn cho du lịch Thành phố trong lần phục hồi trở lại. Trong vai trò đồng hành cùng Thành phố để chỉnh trang và tạo ra điểm đến mới lạ cho du khách tham quan, ông Nguyễn Kim Toản - Giám đốc Công ty Thường Nhật - đơn vị khai thác tuyến buýt đường sông cảm thấy phấn khởi cho sự khởi đầu mới của ngành du lịch Thành phố. “Tạo ra không gian bến Bạch Đằng, công viên Mê Linh giá trị lịch sử, giá trị Sài Gòn 300 năm trên bến dưới thuyền. Các nhà lãnh đạo Thành phố, chuyên gia, người dân đã cùng thảo luận, cùng chung ý tưởng để tạo ra giá trị kết nối từ ngày xưa đến ngày nay”, ông Toản thông tin.

Cùng với các điểm đến, các thắng cảnh, các sản phẩm du lịch trên phố thì lần này TPHCM tập trung khai thác các sản phầm du lịch thủy, trong đó xây dựng các tour tham quan bằng xe buýt đường sông, ca nô trên sông Sài Gòn, cùng với đó là các chuyến tàu cao tốc kết nối với đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ và Vũng Tàu, hình thành nét riêng của du lịch sông nước khác với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Để chuẩn phục vụ cho du khách, nhất là khách quốc tế trong thời gian tới, ông Hoàng Văn Thủy- Phó Tổng Giám đốc Công ty Greenline DP cho biết, đã phục hồi lại các tuyến tàu cao tốc cũ, đồng thời triển khai thêm 1 số tuyến mới, hy vọng sẽ đem đến sự trải nghiệm thú vị cho du khách. “Trong tháng 4 hoặc tháng 5 này chúng tôi làm thêm tuyến Sài Gòn - Côn Đảo. Bên cạnh đó chúng tôi làm thêm các phim du lịch về Thành phố để chiếu trên tàu. Hy vọng sẽ tạo nên sự lý thú cho du khách”, ông Thủy cho hay.

Tour du lịch thành phố Hồ Chí Minh bằng xe buýt hai tầng
Tour du lịch thành phố Hồ Chí Minh bằng xe buýt hai tầng được du khách nước ngoài ưa chuộng

Cùng với việc xây dựng các sản phẩm mới và làm mới các sản phẩm mang đặc trưng của Thành phố, ngành du lịch TPHCM cũng chủ động kết nối liên kết với các tỉnh thành để tạo thành những tour khép kín phục vụ du khách với trải nghiệm một hành trình nhiều điểm đến. Theo bà Nguyễn Thị Khánh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TPHCM, thì việc liên kết để tạo ra sản phẩm liên vùng là cần thiết để tăng tính cạnh trạnh với các nước trong khu vực trong bối cảnh hiện nay. “Kết nối với các địa phương để có chuỗi sản phẩm đồng bộ từ giá cả cho đến chất lượng đều cạnh tranh với khu vực. Khi đón khách quốc tế thì chúng ta phải tính đến yếu tố cạnh tranh với các nước. Đó là những gì chúng tôi đã chuẩn bị và sẵn sàng đón khách”, bà Khánh nói.

Hiện Sở Du lịch TP cũng đã lấy ý kiến của các quận, huyện và thành phố Thủ Đức về đề án phục vụ kinh tế về đêm như: Phố Đông y, Phố ẩm thực ở quận 5; Phố ẩm thực trên đường Hà Tôn Quyền, Khu vui chơi dọc tuyến đường kênh Tân Hóa ở quận 11; Các phố ẩm thực tại quận 7; Chợ đêm ở huyện Cần Giờ cùng mô hình Du lịch sinh thái Thiềng Liềng, xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ…

Với công tác chuẩn bị sẵn sàng, ngành du ngành du lịch Thành phố kỳ vọng từ 2 đến 3 tháng nữa du khách đến sẽ đông hơn. Tuy nhiên, ngành du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, đòi hỏi phải có sự vào cuộc đồng bộ của toàn ngành, của các tỉnh thành, các dịch vụ để tạo nên giá trị cộng hưởng góp phần thu hút khách du lịch. Để làm được được đều đó thì vai trò của Tổng Cục Du lịch rất quan trọng, Thành phố Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh đang rất cần những giải pháp tổng thể, vĩ mô, những chính sách phù hợp từ cơ quan chủ quản của ngành.