Tại buổi tọa đàm “Hồi phục và phát triển du lịch trong điều kiện bình thường mới” do báo Người lao động tổ chức trực tuyến sáng ngày 14/10, ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát đã tác động nghiêm trọng đến hoạt động của toàn ngành. Đến nay, lữ hành quốc tế vẫn chưa được nối lại, trong khi đó, nguồn thu từ hoạt động du lịch cũng giảm sâu so với cùng kỳ năm trước.
“Năm 2020 có gần 400/2500 doanh nghiệp lữ hành quốc tế thu hồi giấy phép, 90% doanh nghiệp lữ hành đóng cửa. Hiện 35% doanh nghiệp lữ hành xin thu hồi giấy phép hoạt động. Lĩnh vực lưu trú cũng bị ảnh hưởng, công suất phòng 6 tháng đầu năm 2021 dưới 10%, đặc biệt những nơi trung tâm du lịch công suất rất thấp”. ông Hà Văn Siêu nói.
Tại buổi tọa đàm, đại diện các doanh nghiệp cho biết, việc Chính phủ thay đổi quan điểm chống dịch từ “zero Covid sang thích ứng an toàn, linh hoạt với Covid” là tín hiệu tích cực giúp ngành hồi phục. Điển hình như tại TPHCM, hoạt động du lịch đã được thí điểm mở cửa trở lại và dù chỉ mới triển khai ở nội vùng, nội thành trên những địa bàn vùng xanh nhưng đó cũng là những dấu hiệu lạc quan để từng bước mở rộng sang những điểm đến an toàn khác trong vùng.
“Thứ 3 vừa rồi chúng tôi đã đến Tây Ninh và đề nghị địa phương kết hợp mở tour du lịch khép kín TPHCM - Địa đạo Củ Chi - Núi Bà Đen và đã được lãnh đạo địa phương đồng tình, bắt đầu tổ chức từ ngày 16/10. Tuần tới sẽ tiếp tục xúc tiến ở các tỉnh miền Trung. Hiện nay, tỷ lệ người dân trên 18 tuổi ở TPHCM đã tiêm mũi 1 đạt khoảng 98%, tỷ lệ tiêm mũi 2 cũng đã xấp xỉ 74% - đây chính là thông điệp tốt để các tỉnh mạnh dạn đón tiếp khách du lịch tại TPHCM.”, bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP cho hay.
Trong tọa đàm, lãnh đạo của nhiều tỉnh, thành, ngành như: Quảng Nam, Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Lào Cai, Kiên Giang… cũng cho biết đã chuẩn bị đầy đủ các nguồn lực, các phương án rất chi tiết để sẵn sàng khôi phục hoạt động du lịch trong điều kiện cho phép, trong đó, tập trung bảo đảm an toàn cho du khách, an toàn cho cư dân địa phương.
Riêng tại TPHCM, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM cũng cho biết đã chuẩn bị các bước cho sự tái hoạt động của ngành, đặc biệt là sau thành công của các tour tri ân cho lực lượng tuyến đầu đến Cần Giờ và Củ Chi vừa qua : “Từ những kết quả tích cực của các tuyến thí điểm này, chúng tôi tôi mạnh dạn xây dựng kế hoạch phục hồi ngành du lịch TPHCM theo 3 giai đoạn, đặc biệt là sau kế hoạch du lịch nội vùng TPHCM. Chúng tôi tham mưu cho lãnh đạo TP làm việc với lãnh đạo các địa phương liền kề như Bà Rịa Vũng Tàu, Tây Ninh, sắp tới Đồng bằng Sông Cửu Long, Khu vực Tây nguyên, Nam Trung bộ để chuẩn bị giai đoạn 2 - đẩy mạnh du lịch nội vùng và du lịch liên tỉnh trong từ tháng 11. Chúng tôi cũng dự thảo đề án đón khách quốc tế trong giai đoạn 3 từ năm 2022”.
Cúng có ý kiến cho rằng, làm sao tái phục hồi hoạt động du lịch một cách bền vững chính là vấn đề mà các doanh nghiệp hiện nay rất quan tâm chứ mở ra 1,2 tháng rồi phập phồng lo ngại dịch tái bùng phát rồi đóng lại sẽ khiến các đơn vị rất khó trở tay.
Dẫn thực tế từ Quảng Ninh, ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh này cho hay, địa phương có 500 tàu đưa khách tham quan và lưu trú qua đêm trên vịnh, suốt mấy tháng dừng hoạt động vừa rồi cơ sở vật chất tàu thuyền hư hại không ít, nhân lực cũng tạm nghỉ việc rất nhiều cho nên để tái phục hồi ngành du lịch là không hề đơn giản.
“Phải nói thật rằng, tâm lý của nhiều người dân hiện nay cũng chưa thực sự an tâm khi mà đi du lịch. Trong khi chúng ta cứ xây dựng chường trình phục hồi hoạt động nhưng lại chưa nghiên cứu, chưa quan tâm xem khách của chúng ta lúc này là ai? Đã ai tìm hiểu du khách chưa? Tâm lý của khách du lịch như thế nào? Bao nhiêu người sẵn sàng đi du lịch? Những khó khăn của doanh nghiệp ra sao? Doanh nghiệp du lịch cần chuẩn bị những gì cho thời gian sắp tới?… Đây là những câu hỏi mà tôi mong được sự quan tâm, chia sẻ cụ thể hơn để phục hồi và phát triển du lịch bền vững trong thời gian sắp tới”, ông Thủy nói.
Cũng theo ông Thủy, du lịch là ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh Quảng Ninh, chiếm 45% doanh thu trong nhóm ngành kinh tế dịch vụ của tỉnh, vì thế tỉnh này đã và đang xây dựng các kịch bản khác nhau để nhanh chóng phục hồi hoạt động của ngành.
Dự kiến, trong tháng 10 này, Quảng Ninh cũng cho phép mở lại các hoạt động du lịch nội tỉnh, đến tháng 11 sẽ cho phép khai thác lượng khách ngoại tỉnh đến với Vịnh Hạ Long, Yên Tử, Bình Liêu…
Tuy nhiên, để khôi phục hoạt động du lịch, tránh việc "nay mở mai đóng", ông Thủy cũng kiến nghị Trung ương quan tâm, đồng hành cùng địa phương, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chia sẻ thông tin để quản lý tốt lượng du khách khi đến với mỗi địa phương du lịch.
Đây là yếu tố quan trọng để kiểm soát, phân loại những du khách đã đảm bảo các điều kiện an toàn khi đi du lịch hay chưa; tăng cường truyền thông tích cực về các điểm đến an toàn để thu hút du khách…