Vàng đang cố gắng giữ trên mức 1.800 USD/ounce nhưng các nhà phân tích cảnh báo về nguy cơ bán tháo vàng do việc đồng đô la Mỹ đang mạnh lên.
Trong bối cảnh đồng USD mạnh lên, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ hạ và đợt bùng phát dịch COVID-19 mới với biến thể Delta làm dấy lên lo ngại không nhỏ về đà phục hồi kinh tế toàn cầu, thị trường vàng được cho rằng đang phải tìm kiếm động lực tăng trưởng mới.
Sự kiện chính của tuần tới là công bố lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang, tiếp theo là cuộc họp báo của Chủ tịch ngân hàng trung ương Jerome Powell, dự kiến vào thứ Tư sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vào ngày 22/7 cam kết giữ lãi suất ở mức thấp kỷ lục trong một thời gian.
Trong khi đó lạm phát của Mỹ đang tăng nóng hơn dự kiến với chỉ số CPI hàng năm cốt lõi của Mỹ ở mức 4,5% vào tháng Sáu. Tình hình việc làm vẫn là mối quan tâm hàng đầu đối với ngân hàng trung ương.
Vấn đề lớn đối với vàng lúc này là đang thiếu các động lực hỗ trợ mới có thể đẩy giá cao hơn mức 1.800 USD/ounce. Bằng chứng là tuần trước, kim loại quý này không thể tăng điểm khi chứng khoán lao dốc và lợi tức Kho bạc Hoa Kỳ bán tháo.
Tuy vậy, chuyên gia kim loại quý Everette Millman của Gainesville Coins cho biết: "Vàng đã chứng kiến một số biến động ngắn hạn. Dù những biến động giá này không lớn nhưng vàng dường như đang phục hồi trở lại".
Ngày càng có nhiều nhà phân tích bắt đầu nói về lạm phát đình trệ như một mối lo ngại gia tăng đối với nền kinh tế Mỹ. Lạm phát đình trệ là một môi trường của lạm phát cao hơn và tăng trưởng kinh tế chậm hơn.
Đây chính là lý do các thị trường sẽ theo dõi cẩn thận con số GDP quý II trong tuần tới. Báo cáo dự kiến phát hành vào thứ Năm tuần này với các thông tin đồng thuận thị trường dự kiến tăng mức 8,6%.
Cả tuần qua, giá vàng đã giảm 0,7% sau khi chạm mức đỉnh của 1 tháng hồi tuần trước khi lo ngại về sự gia tăng số ca nhiễm COVID-19 gây ra bởi biến thể Delta đã dịu bớt.
Các nhà đầu tư cũng chuyển ra khỏi các tài sản trú ẩn an toàn khi sức hấp dẫn từ các tài sản rủi ro quay trở lại.