Tiêu điểm: Nhân Humanity

Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ và những hiện vật áo dài xưa và nay

(VOH) - Tọa lạc tại số 202 Võ Thị Sáu, Phường 7, Quận 3, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ là một trong những điểm tham quan mang tính đặc trưng.

Nơi đây trưng bày những hiện vật liên quan đến phụ nữ Nam bộ nói chung và phụ nữ ở tất cả các vùng miền nói riêng.

Từ năm 2014 trở lại đây, hưởng ứng Lễ hội Áo dài do UBND TPHCM phát động, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đã tích cực sưu tầm và xây dựng một không gian trưng bày về áo dài truyền thống Việt Nam. Tại đây hiện có trên 200 hiện vật áo dài được lưu giữ và trưng bày. Đây là những hiện vật của những người phụ nữ đã từng trải nghiệm cuộc sống trên nhiều lĩnh vực và họ hiến tặng cho bảo tàng, góp phần lưu truyền lại cho các thế hệ sau về những di sản văn hóa truyền thống.

áo dài xưa và nay

Áo dài làm từ vải lụa có từ thời xa xưa, rất quý hiếm của Tây Nam bộ. Ảnh: VOV

Bà Nguyễn Thị Thắm - Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, cho biết Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ từ những ngày đầu thành lập đã ý thức nghiên cứu và sưu tầm cũng như tìm hiểu về sự ra đời, hình thành của chiếc áo dài. Với chuyên đề trưng bày tinh hoa truyền thống dân tộc Việt để giới thiệu đến với du khách quốc tế, du khách trong nước và công chúng TPHCM về sự hình thành và ra đời của chiếc áo dài. Theo năm tháng thì chiếc áo dài cũng đã biến tấu cho phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ở những lễ hội vui, những lúc hỷ sự thì chiếc áo dài luôn gắn liền với người Việt.

Với không gian trưng bày áo dài theo chủ đề áo dài xưa và nay, nhiều hiện vật đã được bảo tàng sưu tầm nguyên bản và trong đó có cả những chiếc áo dài của những phụ nữ nổi tiếng Việt Nam như chiếc áo dài của bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam mặc tại buổi tuyên thệ nhậm chức khóa XIV. Chiếc áo dài của  bà Nguyễn Thị Bình - Nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam mặc khi bà tham gia ký Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh Việt Nam. Hoặc chiếc áo dài của bà Tôn Nữ Thị Ninh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội khóa XI mặc khi khánh thành trụ sở mới của Đại sứ quán Việt Nam tại Bỉ năm 2002.

Rồi cũng có cả chiếc áo dài độc bản, quý hiếm gắn liền với lịch sử Việt Nam như chiếc áo dài của Nghệ sĩ nhân dân Bảy Nam mặc trong vở cải lương Lá Sầu Riêng, chiếc áo dài của chị Phan Thị Quyên mặc trong lễ cưới với anh Nguyễn Văn Trỗi cùng với tấm ảnh cưới của hai người cũng được trưng bày tại bảo tàng. Trong không gian trưng bày còn có cả chiếc áo dài của bà Ngô Thị Huệ, vợ của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh.

Nhân dịp tham quan bảo tàng, ngắm nhìn những chiếc áo dài được trưng bày trong bảo tàng, ông Đinh Ngọc Khánh, đến từ Bộ tham mưu Quân khu 7, bộc bạch: "Hình ảnh áo dài của phụ nữ Việt nam đã được ghi dấu ấn trong tôi lần đầu tiên là khi bước chân đi học. Đó là hình ảnh của cô giáo. Sau đó đến khi học lên cấp 2, cấp 3 là hình ảnh của những cô nữ sinh để tập cho mình những nét duyên dáng của phụ nữ Việt Nam. Đó cũng là hình ảnh ăn sâu trong tâm trí tôi đến bây giờ.

Tóm lại để nói về hình ảnh áo dài Việt Nam thì tôi cũng tâm đắc câu nói của những nhà nguyên cứu về thời trang và dân tộc học đó là chiếc áo dài của Việt Nam bây giờ đã đạt đến tầm độc đáo nhất định vì đã kết tinh được tinh hoa của truyền thống và nét hiện đại".

Trong hàng trăm hiện vật được trưng bày theo chuyên đề, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ đã giới thiệu nên quá trình hình thành chiếc áo dài Việt Nam từ trong lịch sử cho đến hiện tại. Trải qua bao năm tháng, từ kiểu dáng của chiếc áo giao lãnh đến áo năm thân, tứ thân, áo dài kiểu Lemur, kiểu Lê Phổ và áo dài hiện đại nhưng nét đẹp truyền thống vẫn còn giữ nguyên giá trị.

Dù có những biến tấu như cách tân, tà rộng, tà hẹp, cổ cao, cổ thấp, cổ tròn, nhấn ben hay không ben thì hình dạng áo dài vẫn giữ nguyên nét thuần túy. Nhiều khách tham quan bảo tàng và không gian trưng bày đã chia sẻ rằng, phụ nữ Việt Nam qua thời gian vẫn đẹp nhất khi mặc áo dài. Ông Lê Tôn Thanh, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP, cho rằng người phụ nữ mặc áo dài là đẹp nhất trong tất cả các loại trang phục.

Áo dài không chỉ tôn vinh truyền thống của dân tộc mà cũng là thời điểm đẹp nhất của người phụ nữ, tạo rất nhiều cảm xúc. Mặc áo dài vừa thể hiện sự tôn nghiêm của người phụ nữ, vừa giới thiệu được hết những nét đẹp của người phụ nữ trong chiếc áo dài, tạo ra cảm xúc không chỉ cho chính người phụ nữ đang mặc mà còn cho cả nam khi nhìn người phụ nữ trong trang phục áo dài. Có thể nói là đẹp, rất đẹp và rất duyên dáng.

Với không gian trưng bày áo dài truyền thống Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đã trở thành một trong những địa điểm thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan, học tập, nghiên cứu nhất là trong tháng 3, tháng lễ hội áo dài. Và nơi đây đã góp thành một trong những địa chỉ trên bản đồ du lịch TPHCM.

Bình luận