10 câu chuyện - như chính sự trả nợ dành cho những cảm xúc cứ lớn dần bởi những thân phận con người khác nhau đã gặp ở đâu đó mà tác giả, vốn là một nhà thơ sinh năm 1991, không thể chuyển tải một cách trọn vẹn qua những vần thơ mà Nguyễn Chí Ngoan thường cậy nhờ để cất giấu cảm xúc.
Bến Chờ tập truyện ngắn đầu tay của tác giả trẻ Nguyễn Chí Ngoan như cuốn nhật ký về cuộc sống nơi miền Tây sông nước.
“Viết để trả nợ ơn tình, xúc cảm đối với những người từng gặp, những góc đường đồng quá đỗi thân thuộc của mẹ của cha, cái sàn lãn mùa nước nổi, để cân bằng cuộc sống và để nhiều người hơn biết đến miền Tây sông nước, để mọi người chúng ta có thể khóc cùng khó khăn của họ, sẻ chia nụ cười cùng họ”, tác giả Nguyễn Chí Ngoan nói về tập truyện ngắn đầu tiên của mình.
Với Bến Chờ, chúng ta sẽ nửa giận - nửa thương cô Nhiên chung tình quá đỗi trong Sáo ơi về đâu, cho dù người chồng Út Đua chẳng đoái hoài gì đến cô ngay từ những ngày xa lắm, thậm chí ngay trong cái đêm động phòng, bởi tận rất sâu trong tâm trí của “chú rể ngó con sáo là khóc ròng” vẫn mãi là hình bóng người con gái khác. Nhiên hiểu rõ, mình đang mải mê đuổi theo một cái bóng quá lớn của người khác mà Út Đua chẳng bao giờ nhận ra. Nhưng cho dù thế nào đi chăng nữa, ngày Út Đua lượm hết của cải và bỏ đi theo Lài, thì mẹ chồng của cô, cũng là hiện thân cho tất cả người phụ nữ, người mẹ trên thế gian này, dang rộng vòng tay chở che mẹ con Nhiên và không quên để mở một lối thoát đầy nhân văn “đi chán thì nó về hà…” cho kẻ phụ tình.
Nhắc đến miền Tây là nhắc đến những mùa lũ, và dưới góc nhìn chân phương của tác giả trong tác phẩm Rồi lũ cũng tan, là hình ảnh bọn trẻ mừng rỡ vì được nghỉ học, tụm ba tụm năm tắm sông, giăng lưới cá, bẫy nhái, chọi sình… Lũ mang về phù sa giúp đồng lúa thêm phần tốt tươi, nhưng thi thoảng cũng nhẫn tâm cuốn đi hạnh phúc, chí ít với gia đình của cô bé Tí Nị khi mà “thằng em của nó té xuống nước, bị lũ cuốn trôi không tìm lại được”.
Ngày lũ rút, nhà nhà vui, người người mừng, song dường như dưới ánh hoàng hôn, thì nước lũ rút cũng đã mang theo ánh mắt của người ở lại, sự biệt ly da diết bỗng chốc lại quặn thắt trong lồng ngực và rồi đắng nghẹn nơi cổ họng.
Tác giả Nguyễn Chí Ngoan
Cao trào của tập truyện ngắn được tác giả tô đậm ở Ngày buồn quá thể, với nhân vật lão Trứ siêng năng đi ghe biển đánh cá chỉ cần một gia đình, nơi để Trứ trở về sau những chuyến đi xa, mà không phải cô quạnh, lủi thủi một mình như ngày anh còn bé, lang bạt khắp nơi. Dù rằng thằng Tí mà Trứ một mực xem là con ruột được cô vợ hư lẫn tánh cả nết sanh non ở tháng thai kỳ thứ 6 cùng lời xì xầm của bàn dân thiên hạ “sanh non mà đẻ ra thiếu điều muốn cưới vợ cho nó được”.
Ngày Trứ kết liễu sự sống của tình địch, cũng là ngày Trứ tự giải thoát cho nỗi đau trong tim vốn bị bóp chặt, thắt nghẹn bấy lâu của mình. Hình ảnh Trứ cùng chiếc ghe nhỏ cưỡi những ngọn sóng cao thẳng về phía biển để đại dương bao la ôm trọn Trứ vào lòng, cùng hình ảnh Hừng bội bạc hóa điên lang thang và khản giọng gọi tìm đứa con đã khuất, có lẽ sẽ khiến bất kỳ ai trong mỗi chúng ta phải rơi lệ. Nhân quả luân hồi, và dù cho tác giả có nhân văn đến thế nào đi chăng nữa, thì mọi sai lầm, tội ác đều phải trả giá, ngay cả với Trứ.
Tất cả hình ảnh thân thuộc của đời sống vùng miền sông nước miền Tây được tác giả khắc họa dung dị, không mỹ từ nhưng rất ư dạt dào cảm xúc.
Vẫn những buổi chiều không tên, bà con xóm Mù U lại thấy đám trẻ con náo động cả (Rồi lũ cũng tan, trang 92) |