Với 26 năm nghiên cứu và giảng dạy về đa dạng sinh vật học, ông Phùng Mỹ Trung cho biết người lớn và đặc biệt là những nhà nghiên cứu có trách nhiệm rất lớn trong những vụ việc trên. Theo ông, những nhà nghiên cứu hoặc người có kiến thức chuyên môn cần phài chia sẻ kiến thức cho trẻ và cả người lớn.
Ngay ở thành phố cũng có rất nhiều loài cây độc, người dân dùng trồng làm cây cảnh, trang trí mà không hề hay biết như cây ngô đồng, cây bã đậu, cây thông thiên và cây trúc đào.
Những loại cây “cảnh” cực độc mà bạn không biết
Cây ngô đồng: đây là loại cây phổ biến nhất, có hoa đỏ rực rỡ, phía dưới có củ phình to trông rất đẹp nên nhiều người trồng làm cây cảnh trong nhà. Tuy nhiên, hạt của cây ngô đồng chứa rất nhiều độc tố gây nguy hiểm cho các bé.
Cây ngô đồng có nguồn gốc từ Nam Mỹ và được trồng làm cảnh trong rất nhiều gia đình. Ảnh: internet
Ông Trung lý giải: “Hạt ngô đồng chứa rất nhiều dầu, có mùi thơm giống dầu đậu phộng và gây hấp dẫn đối với trẻ. Độc tố chính có trong cây ngô đồng là chất curcin gây bệnh ở đường tiêu hóa, gan.
Nếu trẻ ăn phải hạt cây ngô đồng sẽ bỏng rát ở họng, đau bụng, ói, tiêu chảy. Khi đã bị ngộ độc nặng sẽ xuất huyết tiêu hóa, rối loạn tim mạch, ức chế hệ thần kinh trung ương”.
Cây trúc đào : là loại cây cực độc nằm trong bảng A, thường được trồng làm cây cảnh ở dọc các tuyến đường lớn, đại lộ. Màu hoa trúc đào đẹp có mùi hương sặc sỡ nhưng lại chứa những chất có thể gây chết người.
Các nghiên cứu cho thấy chỉ ăn phải 10 đến 20 lá trúc đào thì người lớn có thể nguy hiểm tính mạng và chỉ 1 lá cũng có thể gây tử vong ở trẻ em. Ảnh: internet
Toàn thân cây trúc đào đều có độc tố nhưng tập trung nhiều nhất là ở lá. Trẻ chỉ ăn phải 1 lá của cây này cũng có nguy cơ tử vong. Đặc biệt, nhựa của cây có màu trắng sữa rất độc và gây phản ứng có hại cho sức khỏe nếu lỡ nuốt phải hoặc dính vào người.
Ông Trung cũng cho biết cây bã đậu, cây thông thiên thường được trồng làm cảnh ở hai bên đường và các khu công nghiệp. Hai loại cây này phát triển quanh năm.
Cây bã đậu tây dễ trồng, thường trồng lấy bóng mát ở sân trường, ven đường vì thế hạt rụng khắp nơi và có thể nằm trong tầm tay của trẻ. Ảnh: internet
Cây thông thiên: Đặc biệt, hoa cây thông thiên có màu vàng rực rỡ, dễ thu hút trẻ. Cây sinh trưởng rất nhanh, khi hạt rụng xuống, cây con lập tức mọc lên. Phần lớn trẻ nhỏ bị ngộ độc do ăn phải hạt thông thiên vì thành phần hạt có dầu béo, nướng lên có mùi thơm.
Cây thông thiên có chứa chất thevetine, được xếp vào nhóm Digitalins. Đây là một hợp chất gây tác dụng trên cơ tim, làm rối loạn nhịp tim và tăng huyết áp động mạch. Ảnh: Internet
Cách phòng tránh ngộ độc cây cảnh, trái độc ở trẻ
Để phòng tránh ngộ độc cây, trái độc ở trẻ, phụ huynh cần dạy trẻ tránh xa những loại cây chứa độc tố, có thể gây nguy hiểm đồng thời, cho trẻ tham gia các lớp học về kỹ năng để phân biệt các loại cây.
Nếu nghi ngờ hoặc biết chắc chắn trẻ ăn phải những cây kể trên, cần lập tức dùng mọi biện pháp để trẻ nôn ra, càng nôn được nhiều càng tốt.
Nếu dính phải mủ, nhựa vào da hoặc mắt, cần nhanh chóng dùng nước sạch rửa.
Sau khi tiến hành sơ cứu tạm thời, hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất đồng thời mang theo mẫu cây mà trẻ đã ăn hay dính phải để bác sĩ xác định và có hướng điều trị chính xác.