Sau nhiều năm liên tiếp đưa hàng ngàn phòng học mới vào sử dụng, thì năm học 2021-2022 là năm đầu tiên TPHCM không có phòng học nào kịp đưa thêm vào sử dụng cho năm học mới. Mặc dù, theo kế hoạch đầu năm học này sẽ có 42 dự án với gần 600 phòng học được đưa vào sử dụng.
Trường Trung học cơ sở Nguyễn Gia Thiều, Quận Tân Bình, là một ngôi trường nằm trong dự kiến đó. Trường được chuẩn bị để trở thành mô hình trường học thông minh với những trang thiết bị và nền tảng quản lý hiện đại.
Mọi việc ngỡ như rất thuận lợi thì dịch bệnh bùng phát. Vì vậy, dù cơ bản phần thô của ngôi trường 1 trệt 3 lầu đã hoàn tất, nhưng lối vào, sân trường vẫn ngổn ngang gạch cát, vôi vữa. Hai tuần, một tháng, rồi hai tháng ... đến nay đã gần 3 tháng hoạt động xây dựng công trình bị gián đoạn.
Ông Nguyễn Xuân Đắc, Hiệu trưởng nhà trường cho hay: "Bây giờ mọi việc đang phải "đứng hình". Giáo viên học sinh không thể nào vào trường như năm ngoái vì mặt bằng công trình đang bị cày xới lên.
Thực sự, xây cơ bản đã xong nhưng lối vào đang hoàn thiện. Công trình đang giai đoạn đào bới lên thì phải dừng, công nhân không ai được đi làm. Nhà trường trao đổi bên công trình, họ cho biết cần khoảng 1 tháng để hoàn thiện".
Không xây dựng mới nhưng trường tiểu học Mê Linh, Quận 3, cả hè này vẫn chưa sửa chữa chống dột được cho 2 phòng học áp mái. Dịch bệnh gây ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống, đe doạ sức khoẻ, cuộc sống bình thường của người dân.
Theo thầy Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng trường Tiểu học Mê Linh, những khó khăn của trường không là gì trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay. Tuy nhiên lo lắng nhất của người quản lý này là vấn đề học tập của lứa học sinh đầu cấp: "Vấn đề khó khăn là tuyển sinh mà không được gặp mặt học sinh. Việc hướng dẫn học tập sẽ phải lệ thuộc nhiều vào cha mẹ học sinh. Phân chia lớp xong, giáo viên phải liên lạc với phụ huynh qua các số điện thoại để chuẩn bị vào năm học mới."
Thực sự, với những gia đình có con ở lứa tuổi tiểu học, đặc biệt lớp 1, lớp 2 việc học tập trực tuyến có nhiều điều bất cập. Trẻ vừa rời trường mầm non, còn quen chơi hơn quen học. Việc đến trường, xây dựng, hình thành nề nếp học tập, làm quen với thầy cô, bạn bè được xem là một hình thức giáo dục trẻ cần thiết.
Vậy nhưng lứa học sinh lớp 1 năm nay, phải bắt đầu năm học mới bằng hình thức online, giao tiếp với giáo viên và bạn học thông qua giới hạn của màn hình máy tính. Chưa kể, không ít trẻ được gửi về quê ở với ông bà, có trẻ ba mẹ đang phải cách ly điều trị bệnh.
Chị Phùng Thị Thoáng, ngụ tại Quận 12, vừa hoàn thành cách ly điều trị Covid trở về, có con sắp vào lớp 1, chia sẻ: "Sách thì chưa mua, không biết mua ở đâu. Đối với những gia đình lần đầu tiên có con vô học lớp 1, thường tiếp xúc với công nghệ có thể không khó khăn.
Tuy nhiên, với những gia đình trước giờ không biết gì về máy tính, các con rất thiệt thòi. Nếu học trực tiếp, giáo viên uốn nắn trên lớp, có bạn bè sẽ có kỷ luật chung. Khi học online, bắt buộc ba mẹ phải ngồi cạnh. Không biết hiệu quả đến đứa trẻ sẽ như thế nào".
Tình hình dịch bệnh không chỉ làm mọi việc gián đoạn, mà nhiều điểm trường còn được trưng dụng tạm thời để phục vụ công tác phòng chống dịch.
Thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM, hiện có gần 250 trường đang dùng làm nơi cách ly, hơn 450 trường hỗ trợ hoạt động xét nghiệm, tiêm vắc xin. Riêng tại Quận Tân Phú, có 2 điểm trường được dùng là khu cách ly, 15 điểm trường phục vụ công tác xét nghiệm và tiêm vacine.
Tới đây, ngành giáo dục quận Tân Phú cũng hỗ trợ thêm 11 điểm trường thành lập trạm y tế lưu động cho 11 phường trên địa bàn. Ông Trần Trọng Khiêm, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo Quận Tân Phú cho biết, công tác hỗ trợ phòng chống dịch cơ bản đáp ứng đầy đủ. Tuy nhiên, Phòng cũng đã có văn bản hướng dẫn các trường chủ động phối hợp lực lượng y tế để thực hiện công tác khử khuẩn, thu hồi điểm trường để phục vụ việc dạy học, ngay khi dịch bệnh được kiểm soát: "Đối với các điểm tiêm, điểm xét nghiệm thì đơn giản vì cơ bản chỉ mượn các khoảng sân bên ngoài. Nhưng đối với các điểm cách ly cũng cần thời gian tháo dỡ.
Ngành giáo dục sẽ báo sớm, phối hợp với y tế thực hiện. Tiến độ này phục thuộc vào lực lượng, tình hình của ngành y tế. Nếu biết sớm, tình hình kiểm soát dịch bệnh tốt, các đơn vị sẽ chủ động."
Trước những khó khăn trên, ngành giáo dục cũng đã đề xuất năm học mới sẽ không tổ chức khai giảng. Các trường sẽ tổ chức lớp, hướng dẫn kỹ năng, phương pháp học tập trên internet trong khoảng 1 tuần trước khi chính thức bước vào tuần thực học.