Tiêu điểm: Nhân Humanity

Bỏ cổng điểm học nghề thi lớp 10: Cần có lộ trình!

(VOH) - Trong Dự thảo sửa đổi, bổ sung Quy chế Tuyển sinh THCS và THPT, Bộ GD-ĐT dự kiến sẽ bỏ quy định Sở Giáo dục và Đào tạo cộng điểm khuyến khích cho học sinh khi tuyển sinh vào lớp 10.

Nếu quy định này được triển khai đồng nghĩa học sinh không được cộng điểm thi nghề phổ thông cũng như một số điểm khuyến khích khác. Có nhiều luồng ý kiến khác nhau xung quanh dự thảo này.

Phụ huynh lo lắng

Cũng như những học sinh lớp 9 khác, con gái chị Vũ Thị Kiều Nhật, Quận 8, đã đăng ký học nghề nấu ăn từ năm học lớp 8. Với mong muốn được cộng thêm điểm cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 đầy cam go, em đã nỗ lực rất nhiều để đạt kết quả tốt nhất trong kỳ thi nghề. Khả năng được cộng 1,5 điểm cho kỳ tuyển sinh ngỡ như cầm chắc trong tay khi kết quả nghề của em đạt loại giỏi. Vậy mà, thông tin, khả năng bỏ điểm khuyến khích nghề trong những ngày gần đây làm em và gia đình khá lo lắng.

Chị Vũ Thị Kiều Nhật cho biết không riêng gia đình chị, nhiều phụ huynh khác cũng đang đứng ngồi không yên: “Một năm trời lớp 8 cố gắng học nghề để được cộng điểm thi lên lớp 10 mà cuối cùng không được. Thật bất ngờ và không đồng ý. Học sinh chủ quan học nghề được cộng từ  1 đến 1,5 điểm rồi nên nếu muốn bỏ phải chuẩn bị từ 2 đến 3 năm."

bo cong diem hoc nghe

Ảnh minh họa.

Giáo viên: người ủng hộ, người không 

Cùng quan điểm không nên bỏ điểm khuyến khích nghề phổ thông, bà Võ Ngọc Thu, Nguyên trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo Quận 5, cho rằng ngành giáo dục yêu cầu phải định hướng nghề nghiệp cho học sinh từ bậc phổ thông. Thực tế, những năm gần đây, việc đào tạo nghề trên địa bàn đã đi vào chiều sâu khi ngày càng có nhiều ngành nghề thiết thực được đưa vào giảng dạy như nhiếp ảnh, nấu ăn, kỹ thuật điện... Việc đào tạo cũng được phối hợp một cách bài bản với các Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp Hướng nghiệp quận huyện để học sinh có những bước cơ bản làm quen với nghề.

Ngoài ra, bà Võ Ngọc Thu cũng cho rằng việc học nghề còn giúp các em có cái nhìn trân trọng hơn với nghề: "Nếu bỏ đi rồi thì các em sẽ không coi nghề là quan trọng, cần thiết. Và các em cũng không có định hướng nghề nghiệp từ bậc học phổ thông. Trong khi ở các nước bạn, việc định hướng nghề nghiệp đã bắt đầu từ lớp 5 lớp 6. Như vậy, lớp 8 ở Việt Nam vẫn là trễ."

Tuy nhiên, theo thầy Hoàng Long Trọng, giáo viên trường trung học cơ sở Văn Lang, Quận 1, việc công điểm khuyến khích nghề dẫn đến thực tế là học sinh không học nghề theo sở thích, hay định hướng phát triển tương lai. Chủ yếu các em chọn nghề dễ có điểm cao và dễ đạt loại giỏi nhằm có điểm cộng cao nhất trong kỳ tuyển sinh.

Việc học nghề không còn mang lại ý nghĩa thực sự. Vì vậy, thầy Trọng ủng hộ việc bỏ điểm khuyến khích nghề, nhưng cũng lưu ý: "Đòi hỏi hướng xử lý tốt của ngành giáo dục. Tức là phải có tính định hướng cho các em để các em hiểu rõ học nghề là để biết được một cái nghề và mong muốn theo đuổi, chứ không phải học nghề để lấy điểm hoặc mang tính hình thức."

Cùng quan điểm ủng hộ việc bỏ điểm khuyến khích nghề, ông Cao Đức Khoa, Hiệu trưởng trường trung học cơ sở Võ Trường Toản, Quận 1, cho rằng ngoài việc giúp tuyển sinh vào lớp 10 chính xác, phù hợp với năng lực của học sinh, bỏ điểm khuyến khích nghề còn giúp công tác phân luồng học nghề sau trung học cơ sở được thuận lợi hơn.

Mặc dù vậy, Hiệu trưởng trường Võ Trường Toản cho rằng chỉ nên hạn chế lại việc cộng điểm khuyến khích chứ không nên bỏ hẳn, vì thực tế những năm qua, các giải thưởng học sinh giỏi cấp thành phố góp phần định hướng học sinh học tập tốt hơn ở cấp trung học phổ thông.

Ông Cao Đức Khoa đề nghị: "Các em bây giờ đa số các em học nghề để lấy điểm cộng. Hướng nghiệp cần làm sao mở ra cho các em đều phải tập trung học theo hướng nghiệp dạy nghề. Nhưng tôi nghĩ không cần thiết lấy điểm nghề này vào cộng điểm thi tuyển sinh lớp 10. Chỉ nên đưa việc học nghề trở thành một môn học như những môn học khác. Các em phải tham gia để có đủ số điểm hoàn thành chương trình."  

Cần có lộ trình 

Tuy nhiên, điểm chung của những người được góp ý cho dự thảo đều đề xuất cần có lộ trình ít nhất là 2 năm, để không ảnh hưởng đến quyền lợi của học sinh. Mặc dù với góc độ cá nhân, ông Trần Khắc Huy, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Quận Tân Bình, ủng hộ việc bỏ điểm khuyến khích nghề, nhưng ông cho rằng ngành giáo dục chỉ nên thực hiện sau năm học 2019-2020.

"Nếu như Bộ GD&ĐT thực hiện lộ trình điểm khuyến khích này, nên thực hiện sau năm học 2019-2020 và công bố rộng rãi lý do, quy định tại sao bỏ để mọi người dân hiểu, đồng cảm, chia sẻ. Đặc biệt là trong ngành giáo dục, để có sự tuyên truyền hỗ trợ giúp thông tin cho Bộ về chủ trương này. Hiện nay, cán bộ quản lý, giáo viên và cả phụ huynh đều hoang mang"  - ông Huy cho biết thêm.

Hướng nghiệp học nghề là chủ trương đúng đắn của ngành giáo dục. Làm sao để học sinh xem trọng việc học nghề cũng như có những định hướng nghề nghiệp hiệu quả là một trong những mục tiêu cần thiết của chương trình giáo dục ở cấp học này. Vì vậy, dự thảo sửa đổi, bổ sung Quy chế Tuyển sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông với quy định bỏ điểm khuyến khích nghề mặc dù ghi nhận được những ủng hộ tích cực nhưng thiết nghĩ ngành cần có những phương án và lộ trình phù hợp.

Bình luận