Chờ...

Bộ Giáo dục Đào tạo đề xuất lộ trình tăng học phí mới bậc đại học

VOH - Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình Chính phủ dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81 về học phí.

Thông tin trên được nêu trong Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023-2024 khối giáo dục đại học, do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức mới đây tại Trường Đại học Bách khoa TPHCM.

Liên quan học phí, ông Ngô Văn Thịnh, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nghiên cứu và xây dựng xong dự thảo nghị định với tinh thần là sẽ lùi khung học phí quy định theo Nghị định 81 -  lùi 1 năm. Quyết định cuối cùng thuộc về Chính phủ.

Xem thêm: Những nguồn thu của trường đại học ngoài học phí

Xung quanh Nghị định 81, ông Thịnh lưu ý các cơ sở giáo dục Đại học, trong Nghị định 81, lộ trình học phí thì sửa nhưng các quy định khác vẫn không thay đổi.

Phó vụ trưởng Ngô Văn Thịnh cho hay: "Các chương trình chất lượng cao và chương trình tiên tiến, sau khi hết thời gian hạn 2 năm, nếu kiểm định không đạt thì quay lại áp dụng mức học phí quy định theo Nghị định 81 cho khối ngành đó và mức tự chủ của cơ sở giáo dục đại học".

Theo dự thảo về học phí, mức trần học phí với đại học công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên năm học tới là 1,2 - 2,45 triệu đồng/tháng, tùy khối ngành, thay vì mức 1,35-2,76 triệu đồng. Mức thu hiện nay là 980 nghìn đến 1,43 triệu đồng.

Mức trần học phí đại học với từng khối ngành, theo đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo:

trần học phí
Dự kiến mức trần học phí đại học với từng khối ngành

Những trường đã tự chủ (tự chi lương, phụ cấp, sửa chữa cơ sở vật chất...), tùy mức độ được thu tối đa bằng 2 - 2,5 lần mức trên, tức 2,4 - 6,15 triệu đồng/tháng. Với chương trình đào tạo đạt kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc theo tiêu chuẩn nước ngoài, các đại học được tự xác định học phí nhưng phải công khai.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhiều cơ quan, địa phương và các trường đại học cho rằng học phí cần được tăng để đảm bảo nguồn lực, nâng cao chất lượng, đầu tư cơ sở vật chất trong điều kiện ngân sách bị cắt giảm.

Tuy nhiên, nếu mức phí năm học mới được áp dụng theo Nghị định 81, biên độ tăng rất cao so với năm học trước. Cụ thể, học phí đại học công lập sẽ tăng bình quân 45,7%.

Đặc biệt, học phí khối ngành Y - Dược tăng 93%, khối Nhân văn-Khoa học xã hội tăng 53%, gây khó khăn cho phụ huynh, người học.