Chờ...

Cần có định biên "cứng" cho nhân viên y tế học đường

(VOH) - Sáng 29/4, Đoàn Đại biểu Quốc Hội TPHCM tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri ngành giáo dục TPHCM.

Trong đó, cử tri kiến nghị cần có định biên "cứng" (chính thức) cho nhân viên y tế học đường.

Năm học 2021-2022 bắt đầu diễn ra trong lúc đại dịch chưa được kiểm soát. Các cơ sở giáo dục được trưng dụng phục vụ công tác chống dịch.

Ngành đã tổ chức dạy học qua internet, vận chuyển sách giáo khoa cho học sinh trước thềm năm học.

Mặc dù có những khó khăn thách thức nhưng đây là cơ hội để ngành giáo dục và đào tạo sớm hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số; đẩy mạnh công tác ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy; Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các kho học liệu, bài giảng điện tử đồng thời, tăng cường được khả năng thích ứng trong công tác lãnh đạo, quản lý, đảm bảo thông tin thông suốt, nhanh chóng, chính xác.

Cần có định biên
Ông Dương Trí Dũng - Phó Giám đốc Sở GDDT trả lời ý kiến cử tri ngành giáo dục.

Tại hội nghị nhiều ý kiến cho rằng cần có quy định cụ thể chức danh nhân viên y tế học đường. Hiện nay, 4 chức danh (kế toán, thủ quỹ, văn thư, y tế) nhưng chỉ có 2-3 vị trí việc làm dẫn đến một số nơi nhân viên y tế học đường phải kiêm nhiệm. Trong khi nhân viên y tế có vai trò quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa dịch bệnh, tật bệnh trong nhà trường.

Bà Mai Thị Thu, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở An Phú, Thành phố Thủ Đức cho biết trên địa bàn chỉ có 14 viên chức là nhân viên y tế,  còn lại là nhân viên hợp đồng hoặc kiêm nhiệm. Bản thân trường An Phú cũng không có nhân viên y tế biên chế mà do hợp đồng trường tự chi trả : "Hiện tại, mức lương cho nhân viên y tế rất thấp so với mặt bằng chung, không có chế độ đãi ngộ riêng. Chỉ có viên chức mới được hưởng thu nhập tăng thêm. Nhân viên hợp đồng tùy theo thỏa thuận.

Đề xuất xem mức lương và chế độ đãi ngộ cho nhân viên y tế, sao cho phù hợp với công sức đóng góp của nhân viên y tế trong tình hình dịch bệnh như hiện nay, để thu hút nhân viên y tế tham gia. Nhân viên cũng yên tâm công tác lâu dài, gắn bó với các trường".

Cử tri ngành giáo dục cũng cho rằng sau dịch Covid-19, càng có nhiều học sinh phát sinh các vấn đề tâm lý, các trường cần có đội ngũ tư vấn học đường để hỗ trợ các em.

Theo bà Phạm Phương Trinh, Hiệu trưởng Trường Mầm non 7A, quận Bình Thạnh, chế độ nghỉ hưu của các cô giáo ngành mầm non hiện là 60 tuổi. Đặc thù mầm non vừa nuôi, vừa dạy các cháu nên công việc khá cực nhọc. Vì vậy, ở lứa tuổi này nhiều giáo viên lo ngại không đảm bảo sức khỏe để chăm sóc trẻ. Cử tri mong muốn có chính sách hưu trí đặc thù riêng cho đối tượng lao động này : "Ở lứa tuổi mầm non, hình ảnh cô với các con là luôn tươi trẻ. Các cô tổ chức nhiều hoạt động trong một ngày như múa, hát. Với lứa tuổi như vậy, các cô không thể đứng trước trẻ tổ chức hoạt động vui tươi, hào hứng... Với hình tượng cô luôn tươi trẻ và đẹp, nhưng với lứa tuổi như vậy, các cô không còn sức thu hút với trẻ".

Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Dương Trí Dũng, trải qua đại dịch Covid -19, các đơn vị thấy rõ hơn tầm quan trọng của một số vị trí việc làm. Việc chuyển trạng thái sang dạy học online cũng làm ảnh hưởng đến nguồn thu và tác động đến nhiều hoạt động nhà trường cũng như chính sách cho người lao động. Vì vậy, dù Thành phố đã có những chính sách đặc thù để hỗ trợ.

Việc có định biên "cứng" cho các vị trí việc làm này vẫn rất cần thiết : "Đối với những vị trí như nhân viên y tế, nhân viên tư vấn tâm lý ngay thời điểm này vô cùng cần thiết, cần phải có định biên "cứng". Trong khi chưa có định biên này, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp các Sở ngành đang hoàn chỉnh những yếu tố pháp lý trình UBND Thành phố, HĐND Thành phố, thông qua để có chính sách đặc thù cho TPHCM nhằm hỗ trợ, giữ chân, đảm bảo an toàn trường học, phục vụ học sinh thiết thực nhất, tốt nhất".

Tại hội nghị, cử tri còn có ý kiến về quy hoạch đất cho giáo dục, nhà ở xã hội cho giáo viên, vấn đề dạy học 2 buổi/ngày, kinh phí tập huấn chương trình giáo dục phổ thông 2018...

Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trường Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM khẳng định ghi nhận, tổng hợp gửi đến UBND Thành phố và các sở ngành liên quan. Đồng thời, lưu ý Sở Giáo dục và Đào tạo tổng hợp, hướng dẫn, tập trung giải quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền quản lý.

Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM cũng tiếp tục nghiên cứu đề xuất các chính sách đặc thù, nhằm thực hiện tốt đổi mới giáo dục, triển khai thành công Chương trình Giáo dục phổ thông mới.