Chờ...

"Căn cứ cấp độ dịch COVID-19, sớm đưa học sinh trở lại trường"

(VOH) - Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố về việc bảo đảm công tác phòng, chống dịch COVID-19 khi tổ chức dạy, học trực tiếp.

Theo văn bản này, thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" trong đó có hoạt động giáo dục, đào tạo trực tiếp và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xem xét mở cửa trường học trở lại, Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố khẩn trương chỉ đạo thực hiện một số nội dung cụ thể:

Căn cứ vào việc đánh giá cấp độ dịch của địa phương (đến tận địa bàn cấp xã) để chỉ đạo việc xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể sớm đưa học sinh trở lại trường để tổ chức dạy học trực tiếp.

Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, các sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các cấp khẩn trương xây dựng các phương án, kịch bản chi tiết, cụ thể và tổ chức diễn tập xử lý các tình huống xảy ra trong quá trình tổ chức dạy, học trực tiếp; hướng dẫn, yêu cầu các cơ sở giáo dục phải có các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn, quy định về "Đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19" tại Phụ lục 1, Phụ lục 2 ban hành kèm theo Công văn số 4726/BGDĐT-GDTC ngày 15/10/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

"Căn cứ cấp độ dịch COVID-19, sớm đưa học sinh trở lại trường" 1
Bộ Y tế đề nghị các địa phương căn cứ vào việc đánh giá cấp độ dịch COVID-19 để sớm đưa học sinh trở lại trường.

Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Y tế khẩn trương triển khai các hoạt động tập huấn cho đội ngũ nhân viên y tế trường học, hiệu trưởng và giáo viên về việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 khi đưa học sinh trở lại trường học trực tiếp.

Sở Giáo dục và Đào tạo, các sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các cấp tăng cường các hoạt động tuyên truyền cho học sinh, cha mẹ học sinh tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của ngành Giáo dục và ngành Y tế.

Sở Y tế các địa phương chủ trì phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo bảo đảm mỗi cơ sở giáo dục đều có đầu mối cơ sở y tế phối hợp chặt chẽ với cơ sở giáo dục và cùng cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm về chuyên môn trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại trường học.

Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế và Ủy ban nhân dân các cấp thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá các tiêu chí bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19 tại các trường học theo hướng dẫn tại Công văn số 4726/BGDĐT-GDTC ngày 15/10/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các văn bản khác có liên quan của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế.

Ngày 28/1, Bộ Y tế có Quyết định 250/QĐ-BYT về việc ban hành "Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19", thay thế cho hướng dẫn ban hành trước đó tại Quyết định 4689 ngày 6/10/2021 và Quyết định số 5666/QĐ-BYT ngày 12/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế, về việc sửa đổi, bổ sung một số điểm của Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 ban hành kèm theo Quyết định số 4689/QĐ-BYT. Đây là phiên bản lần thứ 8 được Bộ Y tế cập nhật, bổ sung.

Theo hướng dẫn mới nhất này, có 5 mức độ phân loại bệnh COVID-19, gồm : không có triệu chứng lâm sàng, mức độ nhẹ, mức độ trung bình, mức độ nặng và mức độ nguy kịch.

Người nhiễm không triệu chứng

F0 được xếp vào nhóm này nếu không có triệu chứng lâm sàng. Ngoài ra, nhịp thở < 20 lần/phút, SpO2 > 96% khi thở khí trời.

Mức độ nhẹ

F0 có các triệu chứng lâm sàng không đặc hiệu như sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ, mất vị giác, khứu giác, tiêu chảy… Nhịp thở < 20 lần/phút, SpO2 > 96% khi thở khí trời. Bên cạnh đó, người bệnh tỉnh táo, tự phục vụ được; X-quang phổi bình thường hoặc có nhưng tổn thương ít.

Mức độ trung bình

Đánh giá toàn trạng, người bệnh có các triệu chứng lâm sàng không đặc hiệu như mức độ nhẹ. Về hô hấp, bệnh nhân có dấu hiệu viêm phổi, khó thở, thở nhanh 20-25 lần/phút, phổi có ran nổ và không có dấu hiệu suy hô hấp nặng, SpO2 94-96% khi thở khí phòng. F0 có thể khó thở khi gắng sức (đi lại trong nhà, lên cầu thang)

Mạch của người bệnh có thể nhanh hoặc chậm, da khô, nhịp tim nhanh, huyết áp bình thường, ý thức tỉnh táo. Ngoài ra, chụp X-quang ngực và cắt lớp vi tính ngực phát hiện có tổn thương, tổn thương dưới 50%. Siêu âm thấy hình ảnh sóng B, khí máu động mạch: PaO2/FiO2 > 300.

Mức độ nặng

F0 được phân loại thuộc nhóm nặng nếu hô hấp có dấu hiệu viêm phổi kèm theo bất kỳ một trong các dấu hiệu sau: nhịp thở > 25 lần/phút; khó thở nặng, co kéo cơ hô hấp phụ; SpO2 < 94% khi thở khí phòng.

Về tuần hoàn, nhịp tim người bệnh có thể nhanh hoặc chậm, HA bình thường hay tăng. Về thần kinh, người bệnh có thể bứt rứt hoặc đừ, mệt. Chụp X-quang ngực và cắt lớp vi tính ngực: có tổn thương, tổn thương trên 50%. Siêu âm thấy hình ảnh sóng B nhiều, khí máu động mạch: PaO2/FiO2 khoảng 200-300.

Mức độ nguy kịch

F0 thuộc nhóm nguy kịch có biểu hiện thở nhanh > 30 lần/phút hoặc < 10 lần/phút, có dấu hiệu suy hô hấp nặng, thở gắng sức nhiều, thở bất thường hoặc cần hỗ trợ hô hấp bằng thở oxy dòng cao (HFNC), thở máy. Ý thức người bệnh giảm hoặc hôn mê. 

Nhịp tim bệnh nhân có thể nhanh hoặc chậm, huyết áp tụt, tiểu ít hoặc vô niệu. Kết quả X-quang ngực và cắt lớp vi tính ngực phát hiện có tổn thương, tổn thương trên 50%. Siêu âm hình ảnh sóng B nhiều, khí máu động mạch: PaO2/FiO2 < 200, toan hô hấp, lactat máu > 2 mmol/L.