Chờ...

Cha mẹ cần chuẩn bị gì cho bé bắt đầu đi học mẫu giáo?

VOH - Đi học mẫu giáo là một bước ngoặt quan trọng đối với trẻ vì từ môi trường giáo dục gia đình, trẻ sẽ tiếp cận thêm một môi trường giáo dục mới - đó là môi trường giáo dục tại trường.

Khi bắt đầu cho trẻ đi học mẫu giáo, nhiều cha mẹ khá băn khoăn không biết phải làm gì để cho trẻ nhanh thích nghi với môi trường mới.

Cô Nguyễn Thị Ngọc Bích – Hiệu trưởng trường Mầm non IGC Tân Bình chia sẻ: “Bước vào môi trường mầm non là một sự thay đổi lớn đối với trẻ nhỏ, đặc biệt là khi các con đã quen thuộc với môi trường gia đình. Chuẩn bị tâm lý cho trẻ là rất quan trọng để giúp trẻ cảm thấy an toàn và tự tin khi bắt đầu một giai đoạn mới”

Cô Bích nhấn mạnh: “Khi được chuẩn bị tốt về mặt tâm lý, trẻ sẽ dễ dàng thích nghi với việc tách khỏi cha mẹ, hòa nhập với bạn bè mới và tham gia vào các hoạt động ở trường mầm non một cách tích cực”.

hoc-mau-giao-220724
Bắc đầu đi học mầm non là một sự thay đổi lớn đối với trẻ nhỏ.

Cha mẹ nên làm gì trước khi trẻ đi học?

Việc chuẩn bị tâm lý trước giúp trẻ phát triển kỹ năng tự lập, tăng cường khả năng giao tiếp và giảm bớt lo lắng khi bắt đầu đi học mẫu giáo.

Cha mẹ có thể chuẩn bị cho trẻ bằng cách trò chuyện về những điều thú vị ở trường Mầm non, cho trẻ tham gia các hoạt động bên ngoài như đi chơi công viên, đi siêu thị, nhà sách... hoặc tham quan, làm quen với trường học mà trẻ sẽ học. Sự ủng hộ và đồng hành của cha mẹ sẽ giúp trẻ tự tin và hứng thú hơn khi bắt đầu đi học.

Cô Nguyễn Thị Ngọc Bích khuyên, trước khi vào học mẫu giáo, cha mẹ nên giúp trẻ phát triển một số kỹ năng cơ bản để trẻ có thể tự tin và độc lập hơn, chẳng hạn như:

  • Kỹ năng tự phục vụ, bao gồm việc tự ăn uống, mặc quần áo và vệ sinh cá nhân.
  • Kỹ năng giao tiếp và xã hội: Cha mẹ có thể khuyến khích trẻ tham gia vào các hoạt động tập thể, trò chuyện và chơi đùa cùng bạn bè để trẻ có thể phát triển kỹ năng này.
  • Kỹ năng tư duy và giải quyết vấn đề: cha mẹ có thể hướng dẫn trẻ tham gia vào các trò chơi đơn giản, như xếp hình, ghép hình, hoặc các hoạt động sáng tạo để kích thích tư duy logic và khả năng giải quyết vấn đề của trẻ. 
  • Những kỹ năng này sẽ tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển toàn diện của trẻ, giúp trẻ tự tin hơn khi bước vào môi trường mẫu giáo và học tập một cách hiệu quả.

Trẻ được học gì khi đi mẫu giáo?

Trường mầm non thường chia ra 02 nhóm trẻ, đó là nhóm nhà trẻ (từ 15 tháng tuổi đến 36 tháng tuổi) và nhóm mẫu giáo (từ 3 tuổi đến 6 tuổi), hai nhóm khác nhau về đặc điểm tâm sinh lý nên việc chăm sóc và giáo dục trẻ ở hai độ tuổi này cũng khác nhau.

Cô Nguyễn Thị Ngọc Bích cho biết, ở lớp nhà trẻ, việc chăm sóc, dạy dỗ trẻ sẽ phụ thuộc nhiều vào cô giáo vì trẻ chưa vững về kỹ năng, chưa mạch lạc về ngôn ngữ. Hầu hết các hoạt động của trẻ sẽ cần nhiều sự hỗ trợ từ giáo viên. Giai đoạn này trẻ phát triển mạnh về tình cảm nên các cô giáo dành nhiều sự yêu thương, chăm sóc và thấu hiểu trẻ.

Giai đoạn này là giai đoạn phát triển vận động nên các trường sẽ tập trung phát triển vận động tinh, thông qua hoạt động chủ đạo đó là hoạt động với đồ vật.

Giai đoạn nhà trẻ cũng là giai đoạn trẻ tập nói, phát triển ngôn ngữ nên trường sẽ tăng cường các hoạt động nhận biết tập nói, nhận biết phân biệt, đọc sách, kể chuyện, đọc thơ để kích thích ngôn ngữ trẻ phát triển.

Trong giai đoạn học mẫu giáo, trẻ đã vững về kỹ năng và ngôn ngữ cũng đã phát triển ở mức giao tiếp bằng câu đơn, câu ghép. Vì vậy, giáo viên đóng vai trò là người quan sát, định hướng, giúp đỡ khi trẻ cần. Các sinh hoạt tự phục vụ cá nhân giáo viên sẽ rèn luyện cho trẻ sự chủ động và tự lập. Bên cạnh đó trẻ cũng cần biết giúp đỡ bạn bè, thầy cô.

Ở độ tuổi này, hoạt động chủ đạo của trẻ là hoạt động vui chơi. Thông qua hoạt động chơi trẻ sẽ được học và trải nghiệm, từ đó sẽ có nhận thức sâu sắc hơn về thế giới xung quanh.

Ngoài ra, chương trình học tập trung vào việc phát triển toàn diện nhân cách của trẻ thông qua các lĩnh vực: Phát triển nhận thức, thể chất, ngôn ngữ, thẩm mỹ, tình cảm và kỹ năng xã hội.