Chờ...

Chuyển đổi số trong giáo dục đại học: mạnh dạn giảm kiến thức cũ, tăng nội dung mới trong đào tạo

(VOH) - Đích đến của hệ sinh thái đại học số là giáo dục cho sinh viên năng lực số để có khả năng cập nhật cái mới.

Ý kiến được Giáo sư-Tiến sĩ Trần Thọ Đạt - Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Kinh tế nêu tại hội thảo “Chuyển đổi số trong Giáo dục đại học với bối cảnh Toàn cầu hóa và Công nghiệp 4.0” do Trường Đại học Mở TPHCM tổ chức sáng 11/4.

Chuyển đổi số trong giáo dục đại học: mạnh dạn giảm kiến thức cũ, tăng nội dung mới trong đào tạo 1
Giáo sư-Tiến sĩ Trần Thọ Đạt phát biểu tại hội thảo - Ảnh: Thùy Linh

Theo Giáo sư Tiến sĩ Trần Thọ Đạt, đích đến của hệ sinh thái của đại học số, đó là sinh viên ra trường có kiến thức và năng lực đáp ứng nhu cầu việc làm của thời đại số. “Vậy trường đại học chuyển đổi số cái gì và làm như thế nào?”

Giáo sư Trần Thọ Đạt cho rằng, đối với chương trình đào tạo, các trường cần rà soát lại chương trình và các môn học để thay đổi phù hợp. Thêm các môn học mới cần thiết, ví dụ như phân tích kinh doanh, thống kê toán; nghiên cứu bổ sung các ngành đào tạo mới liên quan đến tài chính số, tiếp thị số.

Với môn học, Giáo sư Đạt khuyến nghị nên giảm hoặc bỏ bớt phần ít cần, thêm phần mới cần có. Chúng ta cố gắng cập nhật thêm các kiến thức mới nhưng lại bỏ qua việc giảm đi các kiến thức cũ không cần thiết. Sinh viên không thể học nhiều khi chúng ta chỉ có khối lượng chương trình với số tín chỉ nhất định.

Chuyển đổi số trong giáo dục đại học: mạnh dạn giảm kiến thức cũ, tăng nội dung mới trong đào tạo 2
Phó Giáo sư-Tiến sĩ Vũ Hữu Đức chia sẻ về mô hình phát triển d8a5i học ở Malaysia - Ảnh: Thùy Linh

Theo Phó Giáo sư-Tiến sĩ Vũ Hữu Đức, Chủ tịch hội đồng chuyên môn - Khoa Đào tạo Sau đại học - Trường Đại học Mở TPHCM, khi nghiên cứu tiếp cận chuyển đổi số dưới góc độ hệ sinh thái, mô hình giáo dục đại học ở Malaysia là mô hình chúng ta nên tham khảo.

Malaysia có chương trình phát triển về công nghệ thông tin rất công phu, nổi bật nhất là khung giáo dục đại học Malaysia 4.0: "Malaysia cho rằng giáo dục đại học là một hợp thể sinh thái. Họ cũng tiến hành khá đồng bộ bốn nhánh: chương trình đào tạo, quản trị đại học, thu hút nhân tài, nghiên cứu và phát triển”.