Chuyện “sống - còn” của đại học quan trọng hơn là xếp hạng

(VOH) - Bản thân trường đại học nên nghĩ đến chuyện “sống - còn” của mình hơn là quan tâm đến việc phân tầng, xếp hạng đại học hiện nay.

Đây là ý kiến trên của Thạc sĩ Mai Anh Thơ, Trưởng phòng Quản lý chất lượng, Trường Đại học Nông Lâm TPHCM tại Hội thảo Phân tầng, xếp hạng cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam – Từ nhận thức đến hành động, do trường Đại học Ngân hàng TPHCM tổ chức sáng 20/6.

Xếp hạng đại học là xu hướng

Trên thế giới, phân tầng xếp hạng đại học đã trở thành xu hướng chung của toàn thế giới nhằm tạo lập cơ sở cho việc xác định vị trí cao thấp của các trường đại học trong phạm vi quốc gia, khu vực cũng như trên thế giới thông qua một số tiêu chí, chỉ báo, trọng số.

Sở dĩ phân tầng, xếp hạng cơ sở giáo dục đại học trở nên phổ biến vì nó là biểu hiện của chất lượng giáo dục đại học, là cam kết về chất lượng của trường đại học đối với nhà nước và xã hội.

Tại Việt Nam, vấn đề phân tầng giáo dục đại học Việt Nam lần đầu tiên được quy định tại Luật Giáo dục Đại học 2012 và đến nay, quan niệm về phân tầng, xếp hạng trường đã được hình thành rõ và về cơ bản phù hợp với xu hướng chung của các nước.

Việc phân tầng giáo dục đại học cũng nhằm hình thành các nhóm cơ sở giáo dục đại học bao gồm: đại học định hướng nghiên cứu; đại học định hướng ứng dụng và trường đại học định hướng thực hành.

Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Đức Trung, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TPHCM chia sẻ: “Chúng ta có Luật Giáo dục Đại học năm 2012 cũng như Nghị định 73 năm 2015 nói rất rõ - đại học Việt Nam phải phân tầng thành ba hướng: định hướng nghiên cứu, ứng dụng và thực hành; phân thành ba hạng 1, 2, 3, trong đó hạng 1 là 30%.

Vấn đề này liên quan trực tiếp đến thu nhập của toàn bộ giảng viên trong các trường đại học. Do đó, vấn đề chất lượng giáo dục được quan tâm rất nhiều, bởi liên quan đến quy mô, chất lượng đào tạo, chất lượng nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế và kiểm định”.

Hiện nay, hoạt động xếp hạng đại học phổ biến nhất chính là hoạt động kiểm định – công nhận các trường đại học hoặc chương trình đào tạo đại học trong các hệ thống đảm bảo chất lượng.

Tại Việt Nam, hiện tại có hai bảng xếp hạng đại học được biết đến nhiều là Webometrics của phòng thí nghiệm Cybermetrics và Scientometrics của nhóm trắc lượng khoa học VN.

Theo nhiều chuyên gia, nên hiểu “phân tầng” là việc của cơ quan quản lý nhà nước, còn “xếp hạng” là việc của các tổ chức độc lập thực hiện để đảm bảo tính khách quan.

Vì vậy, xếp hạng đại học đúng nghĩa là nhằm cung cấp thông tin cho các bên. Đối với người học là kênh tham khảo để so sánh, chọn trường theo học. Đối với nhà khoa học và người lao động thì bảng xếp hạng đại học cung cấp thêm thông tin để chọn nơi làm việc phù hợp. Còn đối với các đối tác thì sẽ hỗ trợ thông tin giúp chọn nơi hợp tác nghiên cứu, giảng dạy, đặt hàng đào tạo.  

Quan trọng vẫn là chất lượng thực sự

Tiến sĩ Viên Thế Giang, Khoa Luật - Trường Đại học Kinh tế TPHCM thẳng thắn chỉ ra một số bất cập của thực trạng của giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay. Đó là xu hướng tăng nhanh về số lượng với 170 trường công, 60 trường tư thục và 5 trường có vốn đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, là tình trạng địa phương hóa trường đại học, nâng cấp từ trung cấp lên cao đẳng, cao đẳng lên đại học một cách ồ ạt, thiếu kiểm soát và định hướng. Đối với Việt Nam, phân tầng và xếp hạng đại học vẫn còn là vấn đề mới và khó có thể triển khai.

xếp hạng đại học, chất lượng giảng dạy

Tiến sĩ Viên Thế Giang - Khoa Luật trường Đại học Kinh tế TPHCM chia sẻ tại Hội thảo

Tiến sĩ Viên Thế Giang lý giải: “Chúng ta phải vượt qua tâm lý sợ hãi, vì sao? Phân tầng và xếp hạng tức là chúng ta đi theo tầng nào: ứng dụng, nghiên cứu hay thực hành. Còn xếp hạng thì thứ hạng cao, thấp hay rớt hạng thì chúng ta phải chấp nhận. Khi vượt qua được tâm lý sợ hãi thì chúng ta mới tự tin, nhìn thẳng vào sự thật để thay đổi. Thứ hai, chúng ta phân tầng và xếp hạng là cùng đi tìm tiếng nói chung để giúp cho các trường đi đúng sứ mạng và tầm nhìn, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động”.

Theo Thạc sĩ Mai Anh Thơ, Trưởng phòng Quản lý chất lượng, Trường Đại học Nông Lâm TPHCM, bản thân trường đại học nên nghĩ đến chuyện sống còn của một trường đại học nhiều hơn. Bởi vì nếu như trường đại học không còn tồn tại thì sẽ không tới lượt phân tầng hay xếp hạng đại học.

Do đó, các trường đại học phải quan tâm đến những vấn đề cốt lõi của mình, bao gồm vấn đề đào tạo; nghiên cứu khoa học; phục vụ cộng đồng và chuyển giao công nghệ. Theo Thạc sĩ Anh Thơ, các trường đại học nên xem lại các phương thức đào tạo hiện nay có còn phù hợp với xu thế hiện tại để phục vụ tốt cho người học hay không.

“Điều quan trọng nhất của giáo dục 4.0 là người giảng viên phải truyền động lực cho người học. Người học phải thấy được là tại sao mình học, người học chủ động trên hành trình đó. Những kiến thức, tài liệu trên thế giới rất nhiều nên giảng viên chỉ cho họ khai thác những tài liệu đó ra sao, học như thế nào. Đó mới là mấu chốt của giảng viên trong xu thế hiện nay” - Thạc sĩ Anh Thơ nhận xét.

Bình luận