Tiêu điểm: Nhân Humanity

Đại học Quốc gia TPHCM: Phấn đấu trở thành hạt nhân của Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông Thành phố

(VOH) - Khu đô thị Đại học Quốc gia TPHCM với tổng diện tích hơn 640 ha, với gần 30 đơn vị đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ…Ước tính có khoảng 70.000 sinh viên đang học tập tại đây.

Theo các chuyên gia, Khu đô thị sáng tạo trên các nước luôn gắn với các đại học nghiên cứu, là nơi diễn ra các hoạt động nghiên cứu, sáng tạo. Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông Thành phố dựa trên bốn nền tảng, trong đó Khu đô thị Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh được xem như hạt nhân, trung tâm tri thức của khu đô thị.

Phó Giáo sư Tiến sĩ Vũ Hải Quân, Bí thư Đảng ủy - Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh

Phó Giáo sư Tiến sĩ Vũ Hải Quân, Bí thư Đảng ủy - Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh phân tích vai trò của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh trong Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông Thành phố qua trao đổi sau đây:

*VOH: Thưa ông, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh xác định đóng vai trò như thế nào đối với Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông Thành phố?

PGS.TS Vũ Hải Quân: Đại hội Đảng bộ Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2020 – 2025, bên cạnh các mục tiêu như: trở thành đại học trong nhóm các trường đại học hàng đầu châu Á, đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học….chúng tôi cũng xác định một mục tiêu rất cụ thể: đó là trở thành hạt nhân của Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông Thành phố. Có thể nói, bằng việc xác định mục tiêu này, chúng tôi gắn trách nhiệm của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh với sự phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh. Khi nói về Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông Thành phố, đó là làm sao để phát triển kinh tế tri thức. Nói đến kinh tế tri thức, có bốn trụ cột chính. Trụ cột thứ nhất liên quan đến con người, nguồn lực trí tuệ của con người. Trụ cột thứ hai liên quan đến nghiên cứu chuyển giao đổi mới sáng tạo. Trụ cột thứ ba là hạ hầng về công nghệ thông tin tiên tiến. Trụ cột thứ tư là hệ thống thể chế pháp lý, chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển. Đó là bốn trụ cột quan trọng của nền kinh tế tri thức. Tôi nghĩ đó cũng là mục tiêu mà Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông Thành phố mong muốn hướng tới.

*VOH: Thưa ông, như ông vừa phân tích đối với bốn trụ cột chính của nền kinh tế tri thức mà Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông Thành phố hướng tới, vậy Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh có những tham gia, đóng góp cụ thể ra sao?

PGS.TS Vũ Hải Quân: Tôi cho rằng trước hết là đóng góp ở nguồn nhân lực, nó rất quan trọng. Chúng tôi thống kê từ năm 2016 – 2019, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã đào tạo, cung cấp cho Thành phố nói riêng và các tỉnh phía Nam nói chung khoảng 60.000 kỹ sư, cử nhân, bác sĩ, đến thạc sĩ, tiến sĩ; vừa đảm bảo về chất lượng cũng như phẩm chất đạo đức, đây là đóng góp quan trọng. Như vậy, đối với trụ cột thứ nhất về nguồn nhân lực thì trong thời gian tới chúng tôi cũng bám sát vào các chương trình đột phá của Thành phố, các giải pháp của Thành phố được xác định trong dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ của Thành phố, như chương trình đào tạo nguồn nhân lực quốc tế, chúng tôi phát triển đào tạo về lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, về công nghệ thông tin, hạ tầng đô thị.

Trụ cột thứ hai về nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo. năng lực nghiên cứu khoa học của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh phát triển không ngừng trong thời gian qua, cụ thể như xuất bản một lượng lớn các công trình nghiên cứu khoa học, đăng ký bằng phát minh sáng chế ở nước ngoài, có một số sản phẩm ứng dụng đóng góp vào sự phát triển của Thành phố. Về đổi mới sáng tạo, đơn vị có Khu công nghệ phần mềm, chúng tôi đã, đang và sẽ hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp ở đây với hạt nhân là Khu công nghệ phần mềm. Ở đây là đầu mối để các thầy cô, sinh viên trong hệ thống tới để ươm tạo các sản phẩm của mình, mặt khác chúng tôi tạo sự kết nối Khu này với Khu công nghệ cao của Thành phố để khi các sản phẩm này có khả năng thương mại hóa được có thể chuyển sang Khu Công nghệ cao để phát triển, mở rộng, ứng dụng sản phẩm.

Trụ cột thứ ba về hạ tầng thông tin. Liên quan đến hạ tầng công nghệ thông tin tiên tiến, chúng tôi tham gia theo nhiều cách. Ví dụ, chúng tôi cùng với Thành phố xây dựng các chính sách để phát triển hạ tầng thông tin. Chúng tôi tham gia trực tiếp đóng góp cho Thành phố trong việc phát triển sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo hay sản phẩm ứng dụng công nghệ tiên tiến khác. Mục tiêu cuối cùng là làm sao để tin học hóa, ứng dụng công nghệ thông tin tiên tiến có hiệu quả.

Trụ cột thứ tư là liên quan đến thể chế chính sách hỗ trợ và thúc đẩy phát triển. Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cũng tham gia tích cực vấn đề này trong thời gian qua. Ví dụ, trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn với các chính sách thúc đẩy phát triển về du lịch, hỗ trợ phát triển tư vấn về du lịch hay các sản phẩm về nông thôn mới. Trường Đại học Kinh tế - Luật đang hình thành các nhóm nghiên cứu liên quan về tài chính, ngân hàng, các dự báo, thể chế khác liên quan đến lĩnh vực kinh tế xã hội. Như vậy, với bốn trụ cột của nền kinh tế tri thức đó, chúng tôi đang chủ động tích cực tham gia trong Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía đông này.

*VOH: Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh phải là một trung tâm đổi mới sáng tạo, trong đó sự liên kết ba nhà: nhà trường – nhà nước và doanh nghiệp trong thời gian tới, phải được củng cố ra sao, thưa ông?

PGS.TS Vũ Hải Quân: Mối quan hệ giữa nhà trường – đơn vị sử dụng lao động là doanh nghiệp – đơn vị quản lý giống như quan hệ của kiềng ba chân vững chắc. Ví dụ như đào tạo, nếu như đào tạo mà không có sự tham gia của doanh nghiệp thì chương trình đào tạo đó cũng rất khó đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Ngược lại, doanh nghiệp cũng cần trường đại học để có nguồn nhân lực và tốn ít công sức, tài nguyên của doanh nghiệp để đào tạo lại. Doanh nghiệp tham gia ủng hộ cho trường đại học trong các quỹ học bổng giúp sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Như vậy, sự tham gia của doanh nghiệp vào chương trình đào tạo giúp đơn vị đổi mới không ngừng chương trình đào tạo, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng. Đó là mối quan hệ. Doanh nghiệp còn tham gia vào nghiên cứu khoa học. Rõ ràng, năng lực nghiên cứu của các thầy, cô chỉ dừng lại ở các sản phẩm mẫu, chưa thể triển khai đại trà được. Nếu có sự tham gia của doanh nghiệp thì các sản phẩm tiềm năng đó rất có thể trong tương lai gần sẽ có bước phát triển vượt bậc, có thể ứng dụng và tạo được doanh thu lớn hơn. Đó là mối quan hệ chặt chẽ. Vậy nhà nước đứng ở đâu giữa nhà trường và doanh nghiệp sử dụng lao động, tôi cho rằng đó là hành lang pháp lý: là hệ thống chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển. Đó là mối quan hệ rất quan trọng trong thế kiềng ba chân như vậy.

*VOH: Cám ơn ông!

Bình luận