Chờ...

Đề thi tổ hợp khoa học tự nhiên | đề thi khoa học xã hội tốt nghiệp THPT 2021: Vừa sức

(VOH) – Sáng 8/7, thí sinh cả nước làm bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên, tổ hợp Khoa học xã hội. Đối với bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên, nhiều thí sinh than đề khó, ở cả 3 môn thành phần.

Đề thi tổ hợp khoa học tự nhiên phân hóa rõ rệt nhưng có điểm 10

Sáng ngày 8/7, trong Kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2021, thí sinh cả nước làm bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên, tổ hợp Khoa học xã hội. Bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên gồm các môn: Vật lý, Hóa học và Sinh học. Mỗi môn thi thành phần trong bài thi tổ hợp có thời gian làm bài 50 phút. 

Bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên: Đề có sự phân hóa rõ rệt
Sáng 8/7, thí sinh cả nước làm bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên, tổ hợp Khoa học xã hội. 

Kết thúc buổi thi, đối với bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên, nhiều thí sinh than đề khó, ở cả 3 môn thành phần. Trong khi đó, nhiều giáo viên cũng nhận định đề có sự phân hóa rõ, nhất là ở các câu hỏi cuối. Thí sinh Trần Duy Anh, học sinh trường Trung học phổ thông Trưng Vương cho hay: “Em thấy ở cả ba môn, 35 câu thì khá dễ, 5 câu cuối khó quá. Trong 3 môn thì Lý khó nhất, đề cho nhiều hình, em nhìn hình không hiểu. Đề môn Sinh đối với em thì dễ hơn so với hai môn kia, nếu không học kỹ mình cũng có thể làm được mười mấy, hai chục câu đầu. Đề nào thì em cũng làm được từ 30 câu đầu trở lên”.

Nhận nhận định về đề môn Lý, Thạc sĩ Huỳnh Kiều Viết Lãm, giáo viên Vật lý Trường THPT Ten Lơ Man, Quận 1, đối với đề Lý năm nay, về phân bố kiến thức các khối lớp, kiến thức lớp 11 rơi vào 4 câu với 3 câu lý thuyết, 1 câu bài tập, nội dung này ở mức độ dễ. Đề nói chung tương đối khá dễ so với đề thi năm ngoái, bám sát đề minh họa. Dự đoán, với những học sinh khá giỏi, có khả năng làm được đến câu 36.

“Hy vọng mức độ điểm cũng sẽ nâng lên. Năm ngoái phổ điểm môn này là 6,25 điểm toàn quốc. Năm nay, dự đoán phổ điểm khoảng 6,5 điểm, tức là trung bình các em sẽ làm được khoảng 26 câu, học sinh khá giỏi đạt 36 câu là chuyện bình thường. Còn 4 câu cuối, mức độ đề cũng không gọi là khó lắm. Các trò ở trường chuyên, va chạm nhiều cũng sẽ làm được, cho nên năm nay sẽ có 10 điểm”, Thạc sĩ Viết Lãm bày tỏ tin tưởng.

Đối với đề Hóa, thầy Lợi Minh Trang, Trường THPT Lê Quý Đôn nhận xét: “30 câu mức độ tốt nghiệp, 10 câu phân hoá đại học. Trong 30 câu có vài câu tổng hợp đan xen kiến thức lớp 11, 12 nên sợ với tình hình dịch cũng như tâm lý học sinh trong phòng thi, sợ nhiều em sẽ không làm được”.

Đối với môn Sinh, giáo viên Nguyễn Thị Thùy Trang, Bộ môn Sinh học - Trung tâm Giáo dục phổ thông, Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TP.HCM nhận xét: “Đề Sinh năm nay chủ yếu trong chương trình lớp 12 (36 câu), bám sát nội dung sách giáo khoa. Các câu hỏi thuộc lớp 11 đều ở mức độ nhận biết và thông hiểu, có liên hệ thực tế về phòng chống dịch Covid-19. Nhìn chung, đề có 32/40 câu dễ. Do đó, khả năng học sinh đạt điểm từ 7 – 8 điểm cao”.

thí sinh giữ khoảng cách trao đổi về bài thi sau buổi thi Tổ hợp sáng 8/7
Thí sinh giữ khoảng cách trao đổi về bài thi sau buổi thi Tổ hợp sáng 8/7

Đề thi khoa học xã hội vừa sức

Về Đề thi Khoa học xã hội nhiều thí sinh cho rằng đề thi nhẹ nhàng, vừa sức.

Theo thí sinh Nguyễn Ngọc Bảo Duy, lớp 12A13, Trường Trung học phổ thông Trưng Vương, Quận 1, đề thi Khoa học xã hội khá nhẹ nhàng, không học cũng có thể làm bài trên điểm liệt. Thí sinh này cho rằng trong 3 môn thành phần, đề nhẹ nhàng nhất với thí sinh là môn Giáo dục công dân, môn Lịch sử hơi khó còn môn Địa lý thì khá vừa sức chỉ cần nhìn Aslat là có thể làm bài. Thí sinh Nguyễn Ngọc Bảo Duy cho rằng đề Lịch sử và Địa lý ít câu hỏi kiến thức thực tế, dạng câu hỏi này chỉ xuất hiện ở môn Giáo dục công dân.

"Vận dụng thực tế chỉ có ở đề Giáo dục công dân mã đề 305, từ câu 116 trở đi. Câu hỏi những tình huống thực tế để thí sinh giải quyết. Bạn nào học kỹ bài, hiểu tình huống thì chắc chắn đạt điểm cao", Bảo Duy nói.

Bà Ngô Thị Mộng Thu, Tổ trưởng tổ bộ môn Giáo dục công dân, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Hữu Huân, Thành phố Thủ Đức cho biết đề (mã đề 303) có 4 câu liên hệ thực tiễn với những tình huống thiết thực, phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện nay. Đây cũng là những câu mang tính phân hoá,

"Đề hay và phù hợp với tình hình thực tế. Trong đề này khả năng điểm các em rất cao, tập trung ở khoảng 7,5 đến 8,5 điểm. Trong đề có 4 câu ở mức vận dụng cao nhằm phân hoá thí sinh. Đòi hỏi thí sinh có kiến thức thực tế nhất định và biết về luật Hôn nhân gia đình và một số luật khác gần gũi trong cuộc sống", bà Ngô Thị Mộng Thu nhận định.

Đề phù hợp với tình hình thực tế cũng là nhận định của giáo viên đối với đề thi môn Lịch sử. Theo Giáo viên Bùi My Thuý - Bộ môn Lịch sử Trường Trung học phổ thông Gia Định, đề năm nay khá vừa sức với học sinh. Thí sinh chỉ học và đọc sách giáo khoa, nắm vững kiến thức nội dung cơ bản là có thể hoàn thành bài thi với mức điểm tương đối cao. Trong tình hình dịch bệnh như hiện nay, đề thi môn Lịch sử của Bộ ra rất vừa sức với học sinh và phù hợp với tình hình dịch bệnh, khi thí sinh phải phân tâm trước nhiều vấn đề. Đề thi năm nay phần lớn tập trung trong chương trình lớp 12. Mức độ phân hóa chiếm khoảng 20%. Với thí sinh có sức học bình thường vẫn có thể đạt từ 7-8 điểm. Học sinh có khả năng đạt điểm 10 cũng nhiều hơn so với năm trước. Giáo viên Bùi My Thuý thông tin thêm: "Đề có mức độ phân hoá vì có những câu đòi hỏi thí sinh phải so sánh, liên kết từ bài này qua bài khác. Các em phải có kiến thức cơ bản và một mức nâng cao nhất định mới có thể làm được những câu phân hoá như thế. Mức điểm để xét tuyển đại học ví dụ từ 8 điểm trở lên không chiếm quá nhiều hoặc đại trà. Vì vậy, đề có thể dùng để xét tuyển đại học."