Đây là một trong những Quy định mới có hiệu lực từ đầu tháng 3, trong đó nới nhiều quy định đối với sinh viên quốc tế - trong bối cảnh nước này thiếu lao động trầm trọng.
Xem thêm: Sinh viên nước ngoài du học Canada sẽ phải chứng minh tài chính có trên 15.000 USD
Với du học sinh nghề, Đức giới hạn độ tuổi được nộp đơn là 35, tăng so với mức 25 tuổi theo quy định cũ. Chính phủ Đức cũng tăng thời gian cư trú tối đa cho nhóm này từ sáu lên chín tháng, giảm yêu cầu tiếng Đức từ B2 xuống B1.
Sinh viên đến Đức nhưng vẫn đang tìm trường hoặc theo các khóa ngôn ngữ, khóa học chuyển tiếp, người có giấy phép cư trú diện học nghề và thực tập sinh được làm thêm tối đa 20 giờ mỗi tuần.
Điều này tạo ra sự linh hoạt, giúp sinh viên đảm bảo cuộc sống và chuyển sang thị trường lao động dễ dàng hơn. Đồng thời thu hút nhiều sinh viên quốc tế đến học và ở lại sau tốt nghiệp với tư cách là lao động có trình độ.
Trong quy định mới, Đức cũng đơn giản hóa việc cấp phép cho lao động nước ngoài.
Trước đây, ứng viên trong một số ngành nghề đặc biệt như sức khỏe, luật sư, phải làm thủ tục công nhận văn bằng trước khi nhập cảnh, thường khoảng 4 tháng. Nhưng giờ đây, quá trình này được thực hiện sau khi người lao động đến Đức. Các yêu cầu vẫn được giữ nguyên. Người lao động phải có hợp đồng, chứng chỉ chuyên môn có thời gian đào tạo tối thiểu hai năm hoặc bằng đại học và bằng ngoại ngữ tiếng Đức cấp độ A2.
Với một số ngành nghề không thuộc diện kiểm soát chặt, trước đây, lao động nước ngoài cũng phải có bằng cấp được công nhận. Hiện tại, họ có thể đến Đức làm việc nếu có chuyên môn, kinh nghiệm phù hợp, có lời mời làm việc và được trả lương tối thiểu ở Đức.
Năm học trước, khoảng 458.000 sinh viên quốc tế ở Đức, cao kỷ lục và tăng hơn 50% so với 10 năm trước. Lĩnh vực được sinh viên quốc tế ưa chuộng nhất là Kỹ thuật (hơn 31%), tiếp đến là Luật, Kinh tế và Khoa học xã hội.
Có ba lý do khiến ngày càng nhiều sinh viên nước ngoài chọn du học Đức. Đầu tiên, hầu hết đại học công lập miễn học phí, sinh viên quốc tế chỉ mất phí hành chính 150-250 euro (4-6,6 triệu đồng) mỗi năm. Thứ hai là sinh hoạt phí trung bình ở đây khoảng 930 euro/tháng (1.000 USD), thấp hơn so với Anh hay Mỹ. Cuối cùng, sau khi tốt nghiệp, sinh viên có cơ hội ở lại làm việc lên tới 18 tháng.
Theo Study in Germany, trang thông tin về du học Đức, gần 70% sinh viên quốc tế muốn ở lại tìm việc sau tốt nghiệp.