Ngày hội do ngành giáo dục và ngành tài nguyên môi trường Quận 4 phối hợp thực hiện với sự tham gia của học sinh 15 trường tiểu học trên địa bàn.
Học sinh tham gia ngày hội được yêu cầu sử dụng tiếng Anh để trình bày và thực hiện các hoạt động.
Để được tặng cây xanh, học sinh phải tận dung thu gom những sản phẩm chai nhựa, ve chai mang đến khu vực thu đổi. Sau đó, giáo viên sẽ hướng dẫn các em tái chế sản phẩm ve chai thành chậu để trồng cây được tặng.
Học sinh Trần Tú Thanh, Lớp 5/2, Trường Tiểu học Nguyễn Thái Bình chia sẻ: “Con uống xong chai nước, con sẽ đổi những đồ tái chế để có cây. Qua ngày hội này con có thêm nhiều bạn mới và có thể học nhiều kiến thức từ ngày hội này.”
Ngoài ra, ngày hội còn các hoạt động như thời trang tái chế, diễn đàn "Em yêu môi trường xanh" và các trạm trò chơi. Trong đó, ở mỗi trạm trò chơi, học sinh được yêu cầu thực hiên các nhiệm vụ bằng tiếng Anh như phân loại rác thải, nhận biết các hành động gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, xếp hình về môi trường và đặt chủ đề cho tranh...
Sau khi trải nghiệm các hoạt động, học sinh được yêu cầu viết cảm nhận như một lời cam kết bảo vệ môi trường. Bà Phạm Thuý Hà, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Quận 4 cho biết: “Thông qua ngày hội chúng tôi mong muốn nâng cao ý thức bảo vệ môi trường ở các em. Mục đích lồng ghép là học sinh phải sử dụng tiếng Anh trong ngày hội. Như vậy, các em không chỉ dùng lại ở việc giao lưu tại trường, quận mà có thể mở rộng hơn vốn từ. Sau này, khi đến các môi trường bên ngoài, đi vào chủ đề cụ thể, các em có kiến thức sâu hơn về lĩnh vực đó”.
Chỉ thị 33/CT-TTg của Thủ tướng ban hành ngày 20/8/2020 về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa:
Thủ tướng Chính phủ chỉ thị Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành chỉ thị hoặc kế hoạch giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa trong ngành, lĩnh vực và địa bàn quản lý (hoàn thành trước ngày 30 tháng 10 năm 2020); trong đó chỉ đạo, yêu cầu các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc thực hiện một số các hoạt động cụ thể:
Gương mẫu, tích cực và đi đầu trong việc giảm thiểu chất thải nhựa; hạn chế tối đa việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần (bao gồm túi nylon khó phân hủy, bao gói nhựa thực phẩm, chai lọ nhựa, ống hút, hộp xốp đựng thực phẩm, cốc và bộ đồ ăn...); không sử dụng băng rôn, khẩu hiệu, chai, cốc, ống hút, bát, đũa nhựa... dùng một lần tại công sở và trong các hội nghị, hội thảo, cuộc họp và ngày lễ, ngày kỷ niệm và các sự kiện khác; ưu tiên lựa chọn các sản phẩm tái chế, thân thiện với môi trường.
Tiên phong, gương mẫu thực hiện phân loại rác thải tại nguồn ngay tại công sở, bố trí thùng rác để phân loại rác thải tại các cơ quan, đơn vị; chất thải nhựa và các chất thải khác có thể tái chế không được để lẫn với chất thải hữu cơ; khuyến khích xây dựng và thực hiện các mô hình kiểu mẫu để làm cơ sở nhân rộng cho các cơ quan, đơn vị trong lĩnh vực và địa bàn quản lý.
Thực hiện truyền thông, tập huấn nâng cao nhận thức cho công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị về phân loại, thu gom, giảm thiểu chất thải nhựa; phối hợp các tổ chức, cá nhân có liên quan vận động người dân hạn chế hoặc không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần để bảo vệ môi trường.