Sáng 4/9, tại Hội thảo trực tuyến "Học online và offline - Giáo dục trong thời kỳ bình thường mới" do Trung tâm Phát triển Giáo dục Quốc tế THT tổ chức, các diễn giả cho rằng khó khăn nhất của việc học tập trực tuyến chính là sự từ chối của quý phụ huynh.
Tại hội thảo, chị Nguyễn Phạm Khánh Vân, giảng viên đại học, phụ huynh có 3 con đang học tập qua internet cho rằng hình thức học tập này có nhiều thuận lợi khi giúp rút ngắn thời gian di chuyển. Đây còn là dịp để phụ huynh quan sát cách con tương tác với bạn bè, với thầy cô, tìm hiểu chương trình học của con, thuận lợi hơn cho việc kèm cặp bài vở cho con... :
"Phụ huynh thường có thói quen giao phó việc học con em cho giáo viên. Chúng ta là người hiểu con mình nhất, mỗi phụ huynh cũng chỉ có 1,2 đứa con, nhiều nhất là 3-5 con so với giáo viên hàng chục học sinh phải quan tâm.
Việc hợp tác với thầy cô để dạy dỗ con mình vẫn dễ dàng hơn. Trong dịch bệnh này, phần lớn phụ huynh làm việc ở nhà, chúng ta nên tranh thủ thời gian này để củng cố kiến thức và uốn nắn con."
Thống kê của Unesco vào tháng 4/2020, có 1,5 tỷ học sinh (chiếm 91% số người học trên thế giới) phải ngừng đến trường do ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Tiến sĩ Giáo dục Nguyễn Thị Thu Huyền, Nguyên Giảng viên Khoa Tâm lý - Giáo dục Đại học Sư phạm TPHCM, Phó hiệu trưởng trường phổ thông liên cấp quốc tế Việt Nam - Phần Lan, cho rằng nếu học sinh mất 1 tháng dừng việc học, thì những thiếu hụt cần bù đắp lại ít nhất gấp đôi, có khi 3 tháng, 4 tháng.
Nếu việc dừng học tập kéo dài 6 tháng, phải cần từ 1 năm đến 2 năm để bổ sung, bù đắp. Nghiên cứu chỉ ra rằng, lứa học sinh lớp 1 năm 2020, đã có nhiều gián đoạn trong việc học, sẽ gặp khó khăn hơn trong năng lực đọc ở các năm lớp 3, lớp 6 và lớp 8 so với những học sinh lớp 1 các năm học khác.
Tiến sĩ Giáo dục Nguyễn Thị Thu Huyền cho rằng: "Khi nhà trường phải đóng cửa, giải pháp để duy trì việc học là học từ xa gồm cả việc học thông qua truyền hình, truyền thanh, tài liệu. Chúng ta phải tính đến giải pháp chưa tốt bằng nhưng vẫn tốt hơn là không học gì cả. Đó chính là học online.
Thuận lợi lớn nhất chính là duy trì được việc học. Việc duy trì này không chỉ phát triển kiến thức mà cả các kỹ năng, cảm xúc, xã hội cho học sinh."
Tiến sĩ Giáo dục Nguyễn Thị Thu Huyền cũng cho biết thực tế triển khai việc dạy học online cho thấy, khó khăn đầu tiên là sự từ chối của quý phụ huynh. Nhất là ở lứa tuổi nhỏ học sinh vẫn thường rất hiếu động, không thể ngồi yên trong khoảng thời gian dài.
Cha mẹ phải túc trực hỗ trợ nên tao ra những áp lực, căng thẳng lên việc sắp xếp thời gian của phụ huynh. Điều kiện học tập thông qua hình thức này dù ở đối tượng phụ huynh có thu nhập tốt nhưng đôi khi vẫn gặp trục trặc về đường truyền, không gian... Thống kê ở một địa phương cho thấy chỉ có 33% học sinh vùng nông thôn có thiết bị học tập online.
Ngoài ra, giáo viên thường có xu hướng "bê" nguyên cách dạy offline sang online. Hiện nay, các trường chủ yếu dành thời gian để tập huấn giáo viên sử dụng các phần mềm trong khi thầy cô cần được trang bị nhiều hơn kỹ năng sư phạm trong dạy học online như đặc điểm tâm lý, khả năng tập trung của học sinh, cách thu hút học sinh tham gia các hoạt động, quản lý lớp online...
Việc dạy học online không chỉ triển khai trong năm học này mà còn là xu hướng dạy học kết hợp thường xuyên trong tương lai.
Tiến sĩ Nguyễn Kim Dung, Viện trưởng viện Khoa học Giáo dục Nam Việt cho rằng việc dạy học online không chỉ phù hợp với học sinh mà cả với trẻ mầm non: "Hiện trẻ con rất thân thiện với công nghệ thông tin. Vấn đề là chúng ta phải hướng dẫn các kỹ năng để trẻ nhạy bén và linh hoạt.
Thế giới chúng ta là thế giới luôn có sự thay đổi với nhiều điều mới lạ, giáo dục phải làm sao tạo cho học sinh có tâm thế rằng: trong bất cứ tình thế nào các con vẫn có thể học được."