Theo quy định, thí sinh sẽ lần lượt dự thi các môn ngữ văn, ngoại ngữ, toán (nếu đăng ký nguyện vọng lớp 10 thường) và môn chuyên/tích hợp (nếu đăng ký nguyện vọng lớp 10 chuyên, tích hợp).
Em Trần Nguyễn Bảo Hân, học sinh trường THCS Lê Quý Đôn chia sẻ: “Em cảm thấy hơi lo lắng. Em đã tìm lại các đề thi những năm trước để làm quen và học hỏi cách làm bài. Em đoán đề Ngữ văn năm nay sẽ ra bài “Đoàn thuyền đánh cá” vì đã mấy năm nay đề thi chưa ra bài này. Mặc dù đoán đề như vậy nhưng em vẫn ôn tập hết các bài và nội dung chương trình”.
Hai em Chí Vĩ và Huy Tuấn trường THCS Kiến Thiết thì lo lắng đề văn sẽ ra nội dung truyện.
Chí Vĩ chia sẻ: “Em mong đề văn sẽ có nhiều câu liên quan đến thơ hơn, như vậy em mới dễ làm. Thầy cô đã ôn luyện cho em kỹ càng nhưng em vẫn lo, vì các nội dung truyện không phải sở trường của em. Môn văn cũng là môn em lo lắng nhất trong 3 môn thi vào lớp 10”.
Phụ huynh Thanh Thúy (Quận 3, TPHCM) xin phép nghỉ làm 3 ngày để đưa đón con đi thi. Chị cho biết: “Cuối năm lớp 8, trường đã rục rịch cho các con ôn thi nhưng “con lo 1 thì mẹ lo 10”. Biết là con căng nhưng mình vẫn phải cho con đi học thêm vì đề thi thông thường ở trường không hề giống với thi tuyển sinh. Hy vọng con thi tốt, nếu không, con học trường tư thì rất nhiều tiền”.
Năm nay, đề thi văn có điểm mới ở phần viết bài văn Nghị luận văn học. Ở phần này học sinh được chọn 1 trong 2 đề.
Đề 1: Đề yêu cầu học sinh phân tích, cảm nhận một tác phẩm hoặc đoạn trích tác phẩm cụ thể có trong sách giáo khoa. Từ đó chỉ ra ảnh hưởng, tác động của tác phẩm đối với bản thân mình hoặc liên hệ đến tác phẩm khác, liên hệ thực tế cuộc sống để rút ra một vấn đề văn học hoặc cuộc sống.
Đề 2: Đề thi đặt ra một tình huống cụ thể và yêu cầu HS sử dụng kiến thức, sự trải nghiệm trong quá trình đọc (tự chọn tác phẩm/đoạn trích) để giải quyết tình huống ấy.
Trong phần thi này, học sinh thường có các hạn chế như diễn xuôi lại tác phẩm; bài làm thiếu cảm xúc do ít đọc, ít suy tư; không hiểu rõ yêu cầu của đề, viết lại các nội dung đã học một cách máy móc.
Để làm tốt bài văn nghị luận văn học, học sinh cần rèn luyện theo hướng: Nắm vững kỹ năng viết bài văn nghị luận văn học; Rèn luyện kỹ năng phân tích, cảm nhận tác phẩm văn học theo thể loại thơ, truyện; Đọc thêm các tác phẩm ngoài sách giáo khoa cùng thể loại và chủ đề với tác phẩm trong sách giáo khoa; Dùng kiến thức và trải nghiệm đọc tác phẩm để giải quyết một tình huống cụ thể.
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại TPHCM được tổ chức tại 158 điểm thi. Trong đó, có 147 điểm thi vào lớp 10 thường, 11 điểm thi vào lớp 10 chuyên. Tổng số phòng thi là 4.334.
Tổng số thí sinh tham gia dự kỳ thi vào lớp 10 tại TP.HCM là 98.681. Trong đó, thí sinh đăng ký xét ba nguyện vọng thường là 98.681, thí sinh đăng ký xét nguyện vọng chuyên là 7.622 (trong đó có 150 thí sinh tỉnh khác).