Tiêu điểm: Nhân Humanity

Làm gì khi bị phơi nhiễm HIV?

(VOH) - Sáng nay 10/12, Hội Phòng chống HIV/AIDS TPHCM đã tổ chức hội thảo “cập nhật hướng dẫn điều trị và dự phòng HIV” nhằm giúp nhân viên y tế, các tổ chức, các đội nhóm hoạt động trong lĩnh vực phòng chống HIV/AIDS có thêm thông tin, kiến thức mới trong điều trị và dự phòng phơi nhiễm HIV.

Y tá chăm sóc bệnh nhân. Hình minh hoạ. Phương Dung

Phơi nhiễm HIV do nghề nghiệp của nhân viên y tế là khá phổ biến, song không phải trường hợp phơi nhiễm nào cũng dẫn đến nhiễm.

Theo báo cáo của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, hiện nay tỷ lệ nhân viên y tế bị phơi nhiễm khi chăm sóc người nhiễm HIV chiếm trên 2%, tổn thương do vật sắc nhọn 54%, khi lấy máu xét nghiệm, tiêm thuốc chiếm 9%. Truyền máu và rút dịch truyền chiếm 7%.

Bà Bùi Thị Hồng Ngọc – Điều dưỡng Trưởng BV Bệnh Nhiệt Đới nhìn nhận: phơi nhiễm do nghề nghiệp ở nhân viên y tế rất đa dạng. Đặc thù công việc của họ phải tiếp xúc với nhiều loại dịch tiết có nguy cơ hơn (dịch ối, dịch não tủy, mủ, dịch màng phổi, dịch màng bụng). Đồng thời, họ lại có tần suất tiếp xúc cao hơn qua các thủ thuật như thăm khám, tiêm chích, truyền dịch, chọc hút, phẫu thuật… nên nguy cơ phơi nhiễm cao hơn.

Mặc dù không phải tất cả trường hợp tiếp xúc trực tiếp với máu và dịch cơ thể người nhiễm HIV hoặc nghi ngờ nhiễm HIV đều dẫn đến bị nhiễm HIV. Tuy vậy do hiểu biết không đầy đủ nên một số người quá lo lắng trong khi một số khác lại không biết nên bỏ qua “khoảng thời gian vàng”, không điều trị dự phòng kịp thời.

Ông Nguyễn Anh Phong, đại diện Mạng lưới người sống với HIV Việt Nam (VNP+) cho rằng, tình trạng bị phơi nhiễm trong đội ngũ nhân viên y tế và người nhà khi chăm sóc người bệnh còn khá cao. Nguyên nhân là thiếu kiến thức chưa nắm được thông tin về những phương pháp dự phòng khi chăm sóc bệnh nhân HIV cũng như biết cách dự phòng sau phơi nhiễm.

Tại TPHCM, trong số những người được báo cáo xét nghiệm mới phát hiện, nữ chiếm khoảng 35%, nam chiếm trên 65%, lây truyền qua đường tình dục chiếm 50%, lây truyền qua đường máu 36%, mẹ truyền sang con chiếm gần 3%, không rõ chiếm trên 10%.

Bà Nguyễn Thị Hoài Thu – Nguyên Ủy viên Ủy Ban Thường vụ Quốc hội – Chủ nhiệm Ủy Ban các vấn đề xã hội của Quốc hội - Chủ tịch Hội Phòng chống AIDS TPHCM cho biết kể từ khi phát hiện ca nhiễm HIV đầu tiên (1990) đến nay TPHCM có hơn 42.000 người nhiễm HIV, trong đó hơn 10.000 người đã tử vong do AIDS. Hàng năm tỷ lệ mắc mới có giảm nhưng vẫn cao. 

Đặc biệt, hiện nay tình trạng bị nhiễm HIV do tai nạn nghề nghiệp còn  nhiều, nhưng để điều trị và theo dõi liên tục lại gặp phải rất nhiều khó khăn. Không ít người có mặc cảm là tại sao mình lại bị HIV?  Làm sao để nói cho bạn bè, người thân là do con bị tai nạn nghề nghiệp? Cho nên họ luôn có mặc cảm và họ tránh hay gọi là mất dấu sau khi điều trị khiến bệnh viện cũng không theo dõi được và đội ngũ tiếp cận của cộng đồng cũng không tiếp xúc được.

Thực tế, lây nhiễm HIV tiên phát không xảy ra ngay lập tức mà có một sự âm thầm ngắn giữa thời gian phơi nhiễm với virus và sự xuất hiện của HIV trong máu. Trong thời gian “cửa sổ cơ hội” này, điều trị ARV có thể dự phòng nhiễm toàn thân, từ đó giúp người này tránh khỏi tình trạng “nhiễm HIV mạn tính”.

Như vậy, nếu dùng ARV sớm sau phơi nhiễm có thể dự phòng nhiễm trùng toàn thân bằng cách ngăn cản sự nhân lên của HIV trong một vài tế bào bị nhiễm ban đầu. Sau khi duy trì ARV trong cơ thể trong 4 tuần, các tế bào bị nhiễm ban đầu sẽ bị cơ thể đào thải do cơ chế miễn dịch tế bào, kéo theo đó là sự thải trừ hoàn toàn HIV ra khỏi cơ thể.

Bác sỹ Nguyễn Văn Vĩnh Châu – Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới khuyến cáo để không bị nhiễm HIV, nhân viên y tế cần mang găng tay, mang khẩu trang. Trong trường hợp làm phẫu thuật thủ thuật thì nên mang thêm mắt kính để ngừa văng những dịch máu dịch tiết có chứa vi-rút. Đây là những quy định mà nhân viên y tế chăm sóc người bệnh phải tuân thủ, đồng thời trong quá trình làm phẫu thuật thì phải thận trọng, đừng để kim và dao mổ cắt vào trong da của mình.

Phơi nhiễm HIV rất có thể xảy ra với bất cứ ai trong công việc và cuộc sống. Việc tìm hiểu về phơi nhiễm HIV là bảo vệ chính mình và những người thân xung quanh. Nên tự chủ động bảo vệ mình nếu cảm thấy mình có nguy cơ tiếp xúc với người bị HIV. Hãy đến ngay cơ sở y tế để xét nghiệm. Chậm nhất là 2-7 ngày kể từ khi tiếp xúc với mầm bệnh.

Bình luận