Học sinh thì nhắc đến như một người thầy vui tính nhưng lại đặt ra những yêu cầu khá cao trong việc học tập. Tuy nhiên điểm chung của hầu hết chính là những cảm nhận trân quý về những nỗ lực đóng góp của người giáo viên này trong việc đổi mới các phương pháp dạy học, những nhiệt huyết với nghề và tác phong sư phạm chuẩn mực.
Giờ học Vật Lý về mạch điện của giáo viên Nguyễn Trung Anh Vũ tại lớp 9/1, Trường THCS Lê Quý Đôn Lê Quý Đôn, Quận 3 được bắt đầu bằng hoạt động trải nghiệm từ kính thực tế ảo. Mỗi học sinh phải vận dụng những hiểu biết của mình để thoát khỏi đám cháy mà các em đang đối diện khi đeo kính với thời gian quy định chỉ trong 5 phút.
Tình huống thực tế đưa ra chỉ là nội dung mở đầu để giáo viên hướng dẫn học sinh biết được nguyên lý hoạt động của mạch điện, khả năng chập mạch và cũng là một trong những nguyên nhân gây cháy hàng đầu hiện nay. Từ đó, giáo viên hướng dẫn học sinh cách lắp một mạch điện kín, hiểu được chức năng hoạt động của CB khi chạm mạch, cũng như cách sử dụng cảm biến tự động trong thiết kế mạch điện...
Trong một giờ học khác, của khối lớp 7, người giáo viên này bắt đầu tiết dạy của mình bằng bài hát "Mặt trời bé con" với cây đàn madolin nhỏ gọn. Những tưởng đây chỉ là giây phút thư giãn của thầy trò, chứ chẳng liên quan gì đến nội dung bài học. Vậy nên, khi tiếng đàn kết thúc, học sinh vừa bất ngờ vừa thích thú khi thầy giáo yêu cầu các em phân biệt nốt trầm nốt bổng trong bài nhạc để bắt đầu bài học Độ cao của âm. Cứ như thế thầy dẫn dắt đưa những chuyến đò của mình đến bên bờ tri thức không chỉ an toàn, đầy đủ mà vô cùng sống động vui tươi.
Em Hồ Tường Vy, lớp 9/1, bày tỏ suy nghĩ của mình: "Thầy Vũ là một giáo viên vui tính, khá là hài hước nhưng nhiều lúc thầy cũng rất khó. Thầy vừa dạy tụi con bài học trên lớp vừa dạy đạo đức làm người. Thầy có những ứng dụng rất mới để truyền đạt hết khả năng bài học cho tụi con, thầy yêu cầu lên làm những sản phẩm vận dụng các bài học thầy đã dạy, xem kính... Thầy muốn tụi con phải có kiến thức thật sự vững vàng, có thể ứng dụng vào những việc khác nhau, chứ không phải những bài lý thuyết học thuộc và những bài ghi chép nhàm chán."
Thầy Nguyễn Trung Anh Vũ, bộ môn Vật Lý, Trường THCS Lê Quý Đôn, Quận 3 cùng các học sinh.
Nhờ truyền thống gia đình đa phần theo nghề giáo nên tình yêu và kỹ năng nghiệp vụ sư phạm ăn sâu vào tâm trí người thanh niên năm nào. 22 năm theo nghiệp trồng người, thầy giáo Nguyễn Trung Anh Vũ, vẫn luôn nhiệt huyết, vui tính mà vẫn có cái uy của người thầy, nên được học sinh hết lòng yêu mến. Tiết dạy của người giáo viên này luôn là giờ học được học sinh mong đợi. Nơi đó, các em thoả sức sáng tạo, lĩnh hội kiến thức bằng những trải nghiệm và sản phẩm thực tế. Khi thì tự tay làm chiếc "đèn pin lắc" để hiện thực hoá bài học về hiện tượng cảm ứng điện từ. Học bài thấu kính hội tụ ở lớp 9, các em được giao nhiệm vụ phải làm được sản phẩm "thấu kính nước" ... Giáo viên này cũng là người khởi xướng môn học STEM, trong trường để học sinh có thể ứng dụng kiến thức liên môn và giải quyết các vấn đề trong cuộc sống thực tế.
Nếu như trước đây từ cây đinh vít, đến chiếc máy bắn keo giáo viên và học sinh phải tự tìm tòi trang bị để phục vụ cho việc học tập. Có em không được gia đình hỗ trợ nên gặp nhiều khó khăn trong việc học tập theo hướng thực tế, sáng tạo. Thì giờ đây, với tâm huyết của người trưởng nhóm, sự hỗ trợ từ đồng nghiệp và chủ trương đầu tư của ban giám hiệu nhà trường, phòng thí nghiệm STEM đã trở thành điểm đến đầy hứng thú của học sinh toàn trường. Những giờ học, thực hành để tạo nên sản phẩm vườn thuỷ canh ứng dụng tưới từ năng lượng mặt trời, máy thuỷ lực... được tổ chức thường xuyên định kỳ đã giúp học sinh hiểu sâu và vận dụng tốt kiến thức.
Tiến sĩ Phạm Đăng Khoa, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn, Quận 3 cho biết: "Thầy Vũ là một trong những giáo viên đi đầu trong giáo dục STEM của trường. Khi tôi mới về trường, tôi thấy thầy Vũ là một trong những người rất đam mê trong việc giảng dạy và ứng dụng công nghệ thông tin. Lúc đó, thầy là người mang máy chiếu đi hết lớp này qua lớp khác để dạy. Tôi biết thầy rất đam mê, cho nên khi có ý tưởng về vấn đề giáo dục STEM, tôi quyết định mời thầy cùng tham gia. Thầy Vũ rất thích và đã đầu tư tâm huyết, chất xám, tìm tòi, tìm kiếm công cụ, đầu tư phòng thực hành STEM ... thì nó mới ra được như ngày hôm nay và mang lại hiệu ứng rất tốt, rất nhiều học sinh yêu thích."
Theo lẽ thường, càng làm nghề lâu năm người ta vẫn thường hay vướng vào lối mòn, làm theo thói quen quán tính và giảm bớt dần sự sáng tạo. Tuy nhiên, với nhà giáo Anh Vũ, mỗi ngày đứng lớp là mỗi ngày phải tìm tòi các hoạt động sáng tạo, là tăng thêm hiệu quả hoạt động lĩnh hội tri thức của học sinh. Giáo viên này cho rằng đã theo nghề, bản thân người thầy phải thường xuyên cập nhật kiến thức công nghệ để có thể phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu giáo dục con người cho xã hội tương lai. Vì vậy, dù có đôi lúc gặp khó khăn từ sự thiếu hỗ trợ của phụ huynh, sự thiếu ý thức của học sinh, sự thiếu hợp tác của đồng nghiệp nhưng giáo viên này vẫn suy nghĩ tìm hướng giải quyết và vượt qua.
Giáo viên Nguyễn Trung Anh Vũ bộc bạch: "Mình xác định rõ ngay từ đầu, làm công việc giảng dạy rất quan trọng, vì một lời nói của mình ảnh hưởng cả một thế hệ. Nếu mình dạy sai, hướng dẫn qua loa sẽ ảnh hưởng rất lớn, thậm chí có thể gọi là tội ác. Vì vậy, mình cố gắng tự động viên bản thân cố gắng làm."
Với yêu cầu đổi mới giáo dục, cũng như những chuyển đổi mạnh mẽ của cuộc cách mạng 4.0, những người thầy như thầy giáo Nguyễn Trung Anh Vũ chính là người truyền cảm hứng, thổi bùng ngọn lửa sáng tạo cho các thế hệ học sinh và cả cho đội ngũ nhà giáo. Khó khăn là điều không tránh khỏi nhưng với ý thức trách nhiệm, tình yêu người yêu nghề, tin chắc những đổi mới sáng tạo của thầy giáo này sẽ ghi được dấu ấn, góp phần vào những thay đổi tích cực của giáo dục thành phố.