Sáng 20/10, tại Hội nghị sơ kết 02 năm thực hiện Nghị định số 105 của Chính phủ quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non, nhiều chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non được các đại biểu đề xuất.
Ông Mai Phương Liên, Phó trưởng phòng Kế hoạch Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM cho rằng: “Muốn phát triển giáo dục phải huy động sự tham gia của toàn xã hội dưới sự tổ chức và quản lý của nhà nước. Cùng với trường công lập cần đẩy mạnh phát triển các loại hình trường ngoài công lập, góp phần đáng kể vào việc phát triển sự nghiệp giáo dục của thành phố, tạo điều kiện và cơ hội học tập tốt hơn cho người dân, giảm áp lực đầu tư công”.
Theo ông Liên, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách về giáo dục và đào tạo và tăng cường các nguồn lực đầu tư cho giáo dục. Trong đó, thực hiện chủ trương xã hội hoá, huy động các nguồn lực trong cộng đồng dân cư, và các doanh nghiệp trên địa bàn, khai thác tối đa nguồn thu tại địa phương; cơ chế đối tác công - tư (PPP) trong phát triển đầu tư xây dựng trường học. Tạo điều kiện chuyển đổi mô hình các cơ sở giáo dục mầm non từ công lập ra ngoài công lập ở những nơi có khả năng xã hội hoá cao.
Triển khai Nghị quyết 105 của Chính phủ, tỉnh Bình Dương cũng đã ban hành Nghị quyết 09 hỗ trợ cho giáo viên và trẻ trong các khu và cụm công nghiệp. Theo đó có đối tượng thụ hưởng bao gồm các nhóm trẻ mầm non thuộc 29 khu công nghiệp và 12 cụm công nghiệp.
Năm học 2022-2023, toàn tỉnh có 428 trường mầm non trong đó công lập 118 trường, ngoài công lập 320 trường. Tỷ lệ cơ sở mầm non ngoài công lập trên 80%.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Phong, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương cho rằng, có rất nhiều công ty nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh không thuộc khu công nghiệp hay cụm công nghiệp nên con em công nhân lao động ở đây nhiều trường hợp không được hưởng chính sách hỗ trợ. Một số trẻ di chuyển nơi ở theo cha mẹ nên khó khăn trong việc thống kê hỗ trợ.
Ông Nguyễn Văn Phong đề nghị: “Chính phủ tiếp tục có chính sách ưu đãi, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực giáo dục mầm non tại các khu, cụm công nghiệp theo hướng hiện đại, đạt chuẩn, đáp ứng nhu cầu gửi con em của người lao động. Hiện tại ở Bình Dương các cơ sở giáo dục mầm non nhỏ lẻ rất nhiều. Chúng tôi kiến nghị các bộ ngành liên quan phân bổ ngân sách ngành giáo dục và đào tạo trong đó có ngân sách giáo dục mầm non theo số trẻ huy động thực tế, không phân biệt công lập hay ngoài công lập”.
Bà Cù Thị Thuỷ, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, triển khai Nghị quyết 105, hiện có 34 tỉnh/thành phố đã ban hành quy định mức dịch vụ giáo dục mầm non không sử dụng ngân sách.
Có 31 tỉnh/thành phố đã ban hành chính sách hỗ trợ đối với cơ sở mầm non độc lập tư thục ở các khu công nghiệp và nơi có nhiều người lao động. Có 40 tỉnh, thành ban hành cả chính sách cho trẻ em con công nhân và giáo viên.
Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non thông tin thêm: “Công tác quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, đặc biệt ở khu công nghiệp và khu chế xuất đáp ứng được nhu cầu xã hội, nhất là các khu đông dân cư. Các doanh nghiệp xây dựng xây dựng trường mầm non theo hình thức phi lợi nhuận cũng đã triên khai rất tốt, đáp ứng nhu cầu gửi trẻ con em công nhân. Đây là lực lượng lao động chính cho xã hội”.
Hiện cả nước có hơn 30.000 cơ sở giáo mầm non với hơn 15.400 trường mầm non và hơn 15.300 nhóm lớp mầm non độc lập. Sau khi thực hiện Nghị định 105, cơ sở vật chất các trường mầm non đã được quan tâm đầu tư.
Một số địa phương năng động đã xây dựng được các dự án chất lượng cao về giáo dục mầm non, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng được nhu cầu gửi trẻ của con em công nhân. Trong đó, TPHCM là địa phương được đánh giá cao về công tác thực hiện chính sách đầu tư phát triển mạng lưới trường lớp giáo dục mầm non.
TPHCM hiện có hơn 1.300 trường mầm non trong đó có 465 trường công lập và 844 trường dân lập, tư thục. Bên cạnh đó, Thành phố còn có hơn 1.500 nhóm lớp độc lập phục vụ công tác chăm sóc giáo dục trẻ.
Thành phố có 16 khu chế xuất, khu công nghiệp thì có tới 24 trường mầm non ở vị trí liền kề và bên trong khuôn viên các khu chế xuất, khu công nghiệp được xây dựng. Các trường này đã được đưa vào hoạt động, phục vụ việc giữ trẻ là con công nhân, cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu gửi con cho con em công nhân và người lao động tại các khu công nghiệp và khu chế xuất.
Để tháo gỡ khó khăn về chỗ học, giữ trẻ mầm non trên địa bàn Thành phố, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu ban hành Quyết định số 41 về Chương trình huy động vốn, cho vay đầu tư xây dựng trường mầm non công lập trên địa bàn TPHCM (Chương trình 41). Qua đó, đã phê duyệt 86 dự án xây dựng trường mầm non công lập, trong đó có 79 dự án đã khởi công thực hiện.