Đăng nhập

Sinh viên ngành Báo chí - Truyền thông còn thụ động

(VOH) - Đó là nhận xét của đại biểu (đại diện cơ quan thông tấn báo chí, truyền thông và người có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực này) tại hội thảo khoa học “Đào tạo nguồn nhân lực phát thanh - truyền hình và truyền thông đáp ứng nhu cầu thực tiễn”.

Hội thảo do Trường CĐ Phát thanh - Truyền hình II tổ chức ngày 26/5.

Hội thảo nêu ra tính cấp thiết đổi mới trong đào tạo nguồn nhân lực báo chí – truyền thông để kịp thời đáp ứng nhu cầu thực tiễn của ngành nghề này những năm gần đây. Sự phát triển chóng mặt của công nghệ phát thanh – truyền hình trong thời đại toàn cầu hóa, xu hướng quốc tế hóa báo chí với sự tham gia của "nhà báo công dân" cũng như hệ thống trang thiết bị phục vụ việc giảng dạy chưa tương xứng... đều là thách thức mà những người làm công tác đào tạo đang phải đối diện.

img thumbXem toàn màn hình

Quang cảnh buổi hội thảo

Với kinh nghiệm và thực tế hoạt động tại các cơ quan báo chí, truyền thông, nhiều đại biểu gợi ý nhà trường nên cân chỉnh lại thời lượng dạy lý thuyết và thực hành trong giáo trình để phù hợp hơn với nguyện vọng học của sinh viên và thực tế. Đồng thời, đổi mới cách truyền đạt cho sinh động, hấp dẫn, sát với thực tế là điều các giảng viên cần quan tâm hơn.

Vấn đề “tự học” và “tự học tự giác” được nhiều đại biểu nêu ra và đồng quan điểm rằng dường như sinh viên còn đang thiếu.

Thạc sĩ Nguyễn Quốc Anh – Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Phát thanh- Truyền hình II nhấn mạnh: “Theo tôi nên đào tạo cho các em tinh thần tự học hỏi, tự rèn luyện bởi mỗi cơ quan đơn vị đều có cơ chế hoạt động khác nhau. Các em phải biết tự học để áp dụng kiến thức đã học từ trường vào từng môi trường thực tiễn đó…”.

Bình luận