Chờ...

Tặng sách giáo khoa cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại TPHCM

(VOH) - Từ khi đợt dịch thứ tư bùng phát, Thành phố đã chăm lo đến sức khỏe, đời sống thể chất cũng như quan tâm đến đời sống tinh thần của người dân.

Hội Xuất bản Việt Nam văn phòng phía Nam không nằm ngoài cuộc, đã phối hợp cùng Thành đoàn và khoảng 20 đơn vị làm sách đưa sách đến cho người dân vùng phong tỏa, để mà xoa dịu tinh thần trong những ngày giãn cách.

Bên cạnh đó, một hoạt động cũng rất nghĩa tình, rất nhân văn mà Hội Xuất bản Việt Nam văn phòng phía Nam đã và đang thực hiện trong đầu năm học mới 2021 – 2022 là tặng sách giáo khoa cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Thành phố. Có thể nói, đó là sự chia sẻ, thấu cảm và tinh tế mà những người làm sách đang cùng chung tay với Thành phố để san sẻ những nhọc nhằn, khó khăn của bà con. VOH có phỏng vấn ông Lê Hoàng – Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam về những hoạt động đầy tính nhân văn này.

Ông Lê Hoàng trong một lần giao lưu tại Đường sách Thành phố
Ông Lê Hoàng trong một lần giao lưu tại Đường sách Thành phố. 

*VOH: Vừa qua, Hội Xuất bản, các đơn vị làm sách và đoàn hội ở TPHCM cũng đã có hoạt động chăm lo đời sống tinh thần của người dân. Vậy thì ông có thể nhận định hiệu quả và có những con số cụ thể cho các hoạt động chăm lo này?

Ông Lê Hoàng: Hội xuất bản chúng tôi cùng các đơn vị xuất bản, các đơn vị hữu quan đã có những cố gắng để tham gia vào những hoạt động nhân ái, thiết thực để chăm lo và xoa dịu những nỗi nhọc nhằn trong đời sống người dân Thành phố nói chung cũng như bà con, bạn đọc nói chung thanh thiếu niên nói riêng khu phong tỏa, khu cách ly những ngày giãn cách. Với động lực như vậy, chương trình Sách trao tay học ngày giãn cách, thì Hội xuất bản văn phòng phía Nam phối hợp cùng Thành đoàn và trên 20 đơn vị xuất bản mang đến cho bạn đọc khu phong tỏa, vùng cách ly trên địa bàn, trên 15 ngàn đầu sách. Chúng tôi trao cả sách giấy, sách điện tử ebook và sách nói audio book. Sách giấy thì chúng tôi trao tận tay để bà con đọc trực tiếp. Với sách điện tử, chúng tôi tạo app để bà con có thể nghe sách, đọc sách trên các phương tiện điện tử. Về kết quả, chúng tôi thấy rất tốt vì đây là món ăn tinh thần thật sự cần thiết cho bà con, cho các em thanh thiếu nhi vì ở trong nhà, bị cách ly thì có được quyển sách để đọc, có được audio book để nghe, ebook để xem thì không lúc nào món ăn tinh thần mà nó góp phần cho đời sống tinh thần mỗi người cảm thấy nhẹ nhàng hơn, yên tâm hơn để vượt qua dịch bệnh.

*VOH: Không chỉ có chăm lo đời sống tinh thần, mà biết Hội xuất bản Việt Nam văn phòng phía Nam còn góp chút sức chăm lo phần nào lực lượng tuyến đầu chống dịch?

Ông Lê Hoàng: Vừa rồi thì bà con nông dân ở Long An vào mùa vụ thanh long nhưng do dịch bệnh, không thể vận chuyển buôn bán, dẫn đến nguy cơ phải cắt bỏ. Trước tình cảnh đó thì Hội xuất bản cũng vận động các thành viên, đưa được 12 tấn thanh long về Thành phố, thông qua Thành đoàn, để góp thêm chút sức vào bữa cơm cho lực lượng tuyến đầu chống dịch cũng như cho bà con khu cách ly phong tỏa. Ngoài ra chúng tôi còn hỗ trợ thêm cho bà con để cho vụ mùa tới. Đây là việc mà chúng tôi ý thức góp phần nhỏ nhoi để vừa chăm lo đời sống tinh thần, đời sống thể chất cho bà con.

*VOH: Và tôi biết thêm một hoạt động quan trọng mà Hội xuất bản cùng các đơn vị làm sách cũng đã nhanh chóng vào cuộc là chúng ta đưa sách đến cho các em khó khăn trên địa bàn Thành phố.

Ông Lê Hoàng: Tôi biết là có nhiều gia đình công nhân, người lao động, họ trực tiếp lao động, họ đang ở trong các xóm nghèo, trong các nhà trọ, trong các vùng bị phong tỏa. Họ bị ảnh hưởng rất nặng nề từ dịch bệnh, đó là mất nguồn thu nhập, mất việc làm. Bình thường, bản thân họ đã rất vất vả còn bây giờ rơi vào hoàn cảnh mất thu nhập nên hầu như rất bế tắc. Đến ngày tựu trường, sự học của con em họ bế tắc không kém khi lấy tiền ở đâu để mua sách vở, mua dụng cụ học tập, nhất là sách giáo khoa, mà sách giáo khoa thì không thể không có. Trước việc đó thì các đơn vị như Thành đoàn, Nhà xuất bản Giáo dục, công ty đầu tư phát triển giáo dục Phương Nam, công ty Fahasa đồng hành cùng Hội xuất bản Việt Nam văn phòng phía Nam.

Chúng tôi phối hợp làm tốt hoạt động cộng đồng này. Với sự tham gia nhiệt tình của hơn 60 đơn vị, cá nhân tham gia đóng góp cho chúng tôi có điều kiện mua sách giáo khoa để tặng miễn phí cho các em. Sau hơn một tuần phát động, chương trình đã có trên 1.300 bộ sách giáo khoa và bài tập. Chúng tôi rất mừng vì các em có sách kịp thời, có công cụ học tập cho năm học mới. Chúng tôi biết việc này không lớn lao mà rất nhỏ bé nhưng mang ý nghĩa về nhân ái và góp phần xoa dịu nỗi nhọc nhằn, góp phần gỡ được một phần khó khăn nào đó trong cuộc sống của người lao động nghèo.

*VOH: Và sắp tới thì Hội Xuất bản tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xã hội này?

Ông Lê Hoàng: Chúng tôi tiếp tục vận động xã hội cộng đồng như các đơn vị xuất bản tiếp tục đóng góp cho chúng tôi có điều kiện. Với kinh phí, điều kiện chúng ta tiếp nhận được từ sự đóng góp thì chúng tôi sẽ chuyển qua mua các đồ dùng học tập để giúp cho các em có hoàn cảnh khó khăn. Vì ngoài sách giáo khoa thì chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ tập vở, đồ dùng học tập cần thiết gửi đến các em.

*VOH: Rõ ràng là chia sẻ phần nào khó khăn mặc dù biết rằng là các đơn vị làm sách cũng rất khó khăn do bị ảnh hưởng rất nhiều từ dịch bệnh.

Ông Lê Hoàng: Phải nói là vô cùng khó khăn. Các nhà sách đã đóng cửa trên 4 tháng nay. Các hệ thống phát hành online thì bị ngưng trệ hầu như hoàn toàn bởi vì đội ngũ shipper họ không có điều kiện đi lại để giao sách đến cho bạn đọc theo đặt hàng online. Các hoạt động xuất bản và phát hành sách gần nửa năm nay nhất là trong những ngày áp dụng triệt để giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ thì hoạt động xuất bản của chúng tôi là đóng băng.

*VOH: Vậy thì thưa ông Hội Xuất bản Việt Nam có những đề xuất nào để tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị làm sách?

Ông Lê Hoàng: Chúng tôi nghĩ rằng sách cũng cần được xem là lương thực thực phẩm để nuôi sống tinh thần. Khi dịch bệnh diễn ra thì chúng tôi cũng theo dõi qua các đơn đặt hàng, qua các nhu cầu đọc sách thì chúng tôi thấy nhu cầu của người dân rất lớn, ngay từ khu cách ly, ngay từ khu phong tỏa. Khi dịch bệnh lắng dịu xuống, chúng tôi kiến nghị với Nhà nước, với Thành phố nên tạo điều kiện cho các hoạt động in ấn, xuất bản, nhất là chuỗi cửa hàng phải mở cửa lại sớm. Mong tạo điều kiện sớm nhất cho đội ngũ làm việc tiêm đủ liều vaccine, tạo điều kiện đi lại như giấy đi đường. Kiến nghị thứ hai là Chính phủ hãy quan tâm hỗ trợ bằng các chính sách cũng như tăng thêm kinh phí đặt hàng cho các nhà xuất bản. Đây cũng là cách tăng doanh số cho các nhà xuất bản để vượt khó khăn. Đề nghị với Chính phủ với các cơ quan chức năng có các chính sách hỗ trợ giảm miễn thuế, bảo hiểm xã hội, lãi suất ngân hàng, tiền thuê nhà, và các chi phí các định phí khác cho các đơn vị in ấn phát hành.

*VOH: Xin được cảm ơn ông rất nhiều với những hoạt động đầy ý nghĩa cũng như các kiến nghị rất sát thực tế!