Trường Đại học Bách khoa (ĐHQG-HCM) và Tập đoàn Keysight Technologies (Mỹ) vừa ký kết biên bản ghi nhớ lần thứ hai về tài trợ thiết bị phục vụ giảng dạy và nghiên cứu công nghệ IoT, vi mạch bán dẫn.
Gói tài trợ gồm 02 máy đo siêu cao tần Keysight Fieldfox và 52 giấy phép bản quyền phần mềm thiết kế vi mạch siêu cao tần (Keysight ADS Software) trong 03 năm.
PGS. TS. Phạm Trần Vũ - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa cho biết, Keysight đã đồng hành cùng trường từ năm 2017 qua các hội nghị khoa học quốc tế do khoa Điện - Điện tử tổ chức.
Năm 2019 đánh dấu lần đầu hợp thức hóa quan hệ hợp tác giữa nhà trường và tập đoàn với sự ra đời của Phòng thí nghiệm HCMUT-Keysight MMIC Lab đặt tại cơ sở Dĩ An, dùng để đào tạo sinh viên về Internet vạn vật (IoT), đóng góp tích cực cho hoạt động giáo dục và bồi dưỡng các kỹ sư tiềm năng.
Sự hợp tác tiếp tục mở ra nhiều cơ hội mạnh mẽ cho đôi bên, nhất là khi Việt Nam đang có nhiều lợi thế thu hút đầu tư lĩnh vực vi mạch bán dẫn.
Thông qua gói tài trợ lần hai với các thiết bị và phần mềm tiên tiến cho Phòng thí nghiệm HCMUT-Keysight MMIC Lab, trường Đại học Bách khoa và Keysight hướng đến đào tạo cấp chứng chỉ RF- Keysight và nghiên cứu thiết kế vi mạch siêu cao tần, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về nhân lực chất lượng cao trong ngành vi mạch bán dẫn.
Tập đoàn Keysight Technologies chuyên sản xuất, cung cấp các giải pháp đo lường Điện, Điện tử - Viễn thông phục vụ trong nhiều lĩnh vực.
Keysight là một mắt xích quan trọng trong chuỗi sản xuất vi mạch khi mang đến giải pháp các công nghệ thiết kế, kiểm thử và đo lường các mạch tích hợp tần số cao, vi sóng và tần số vô tuyến.