Thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, hiện Thành phố đạt 294 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học. Khối mầm non đạt đến 471 phòng học/10.000 dân, các khối còn lại vẫn còn khá thấp so với chỉ tiêu.
Tiểu học đạt 256 phòng học/10.000 dân, trung học cơ sở đạt 232 phòng học/10.000 dân và trung học phổ thông 261 phòng học/10.000 dân.
Tính đến tháng 12 năm 2022, chỉ có 12/22 quận, huyện và Thành phố Thủ Đức đạt chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân.
Ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thông tin: "Cho đến năm 2025 Thành phố cần xây dựng 7.681 phòng học mới đảm bảo chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân. Hiện có 7 quận huyện căng thẳng về sự gia tăng số phòng học: Gò Vấp, Quận 12, Hóc Môn, Bình Chánh, Thủ Đức, Tân Phú và Bình Tân."
Theo ông Võ Thanh Dũng, Phó chủ tịch UBND Quận 4, giai đoạn 2015-2020 nhiều dự án trường học trên địa bàn được thực hiện. Tuy nhiên, giai đoạn 2020-2025 "chựng" lại, dự báo đến cuối nhiệm kỳ chưa thể hoàn thành chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân.
Nguyên nhân do các dự án quan trọng cấp thiết của Thành phố trên địa bàn quận 4 có ảnh hưởng đến trường học, trong khi điều chỉnh các dự án trường học về các kho bãi vị trí khác lại vướng quy hoạch của thành phố.
Khó khăn trong thực hiện 300 phòng học/10.000 dân cũng diễn ra tại Quận 12. Hiện toàn quận có 2.874 phòng học, đạt tỷ lệ 235 phòng/10.000 dân. Tốc độ tăng dân số cơ học trên địa bàn cao, Đến 2025 quận có hơn 132.000 dân trong độ tuổi đi học, cần 1.700 phòng học mới đủ.
Kế hoạch từ nay đến 2025 quận 12 sẽ triển khai 23 dự án trường học với 591 phòng. Nếu thực hiện thuận lợi vẫn chỉ đạt mức 240 phòng/10.000 dân.
Bà Võ Thị Chính, Phó Chủ tịch UBND Quận 12 cho biết, hiện có những khu đất trên địa bàn hầu như đất trống, bỏ hoang nhưng không thu hồi hoặc hoán đổi để xây trường được: "Nếu có quỹ đất này để đầu tư xây dựng trường học, sẽ giải quyết được vấn đề trường lớp."
Các đại biểu cho rằng với điều kiện đất đai hạn hẹp của thành phố, Quy định định mức diện tích đất bình quân/học sinh khoảng 10m2/học sinh sẽ ảnh hưởng đến số lượng phòng học. Thay vào đó, cần căn cứ vào tỷ lệ diện tích xây dựng.
Ông Phan Ngọc Phúc, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc cho rằng để công tác xã hội hoá giáo dục được thuận lợi, việc chuyển đổi công năng sử dụng đất ngắn hạn từ đất ở sang đất giáo dục cũng cần được quan tâm.
"Các trường (ngoài công lập) phải thuê đất của người dân. Theo quy định, việc xây dựng phải đúng quy hoạch. Với những trường hợp ở khu dân cư hiện hữu, Sở Quy hoạch Kiến trúc báo cáo Thành phố xem xét." - Ông Phan Ngọc Phúc cho biết thêm.
Ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND Thành phố khẳng định TPHCM là đô thị lớn, nếu để điều kiện an sinh giáo dục không đạt là điều không thể chấp nhận. Một trong những điều kiện quan trọng nhất là con em người dân phải được đi học.
Thực tế, chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân chỉ đáp ứng với Chương trình phổ thông cũ. Với Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đòi hỏi học sinh được học 2 buổi/ngày, chỉ tiêu này vẫn chưa đáp ứng được.
Phó chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu các đơn vị quận huyện sở ngành rà soát lại công tác quy hoạch xây dựng trường lớp, cần đặt cái tâm mình vào để giải quyết vấn đề. Chúng ta phải thực sự xem "Giáo dục là quốc sách hàng đầu".
Từng địa phương, từng sở ngành phải ý thức điều này như một trách nhiệm, như một lời cam kết với nhân dân. Mục tiêu không chỉ là 300 phòng học/10.000 dân, mà chúng ta còn có trách nhiệm xây dựng môi trường giáo dục tốt nhất cho con em thành phố, ông Dương Anh Đức nói.