Để giúp trẻ cải thiện được tình trạng nhút nhát, ngại giao tiếp, lấy lại sự tin tự, mạnh dạn thì cha mẹ có thể áp dụng 8 cách dưới đây.
Không tạo áp lực cho trẻ
Tuy rằng nhút nhát sẽ khiến trẻ gặp một số bất lợi trong cuộc sống và học tập, tuy nhiên cha mẹ không vì thế mà thúc ép trẻ phải thay đổi thật nhanh, bắt trẻ phải làm bằng được điều nọ điều kia ngay lập tức.
Điều đó chỉ khiến trẻ thêm áp lực, thậm chí hoang mang và thu mình lại hơn. Do vậy, để tránh lợi bất cập hại, cha mẹ nên giúp trẻ điều chỉnh dần dần chứ đừng ép trẻ phải giao tiếp khi trẻ không thoải mái.

Khuyến khích trẻ tham gia thảo luận
Cha mẹ hãy dành nhiều thời gian, thường xuyên tổ chức các buổi thảo luận trong gia đình, như cả nhà cùng xem phim và thảo luận về bộ phim đó, hay thảo luận ngày mai ăn món gì, hay cuối tuần đi chơi ở đâu…
Bất cứ đề tài nào thì cha mẹ hãy khuyến khích trẻ đóng góp ý kiến, tham gia thảo luận cùng mọi người. Cách này sẽ giúp trẻ cải thiện được tình trạng nhút nhát, tình trạng chậm nói, chậm phát triển ngôn ngữ.
Cho trẻ tham gia lớp năng khiếu
Các lớp năng khiếu không chỉ giúp trẻ theo đuổi đam mê mà còn là một môi trường giúp trẻ tự tin hơn, vì trẻ được thể hiện những điểm mạnh của bản thân, từ đó giúp cải thiện được tính tự ti của trẻ.
Lớp năng khiếu còn giúp trẻ làm quen với nhiều bạn mới đồng trang lứa, đây cũng là môi trường tốt để trẻ tạo dựng quan hệ, tăng khả năng giao tiếp.
Hỏi trẻ cảm thấy thế nào
Mặc dù bạn không muốn gán cho con mình là người nhút nhát, nhưng điều quan trọng là hãy cho chúng cơ hội để nói về những gì chúng đang cảm thấy khi bước ra thế giới và khám phá các tình huống mới.
Bạn có thể trò chuyện đơn giản và cởi mở, đại loại như, “hôm nay con đang nghĩ gì? Con có thích đến lớp học bơi không?”. Điều đó sẽ giúp bạn biết được liệu sự nhút nhát của trẻ có gây khó chịu gì không mà không cần phải "dán nhãn" bất cứ điều gì.
Không so sánh với bạn khác
Có rất nhiều cha mẹ có xu hướng so sánh con của mình với con người khác để con mình cố gắng hơn. Nhưng đây là một hành động sai lầm, đặc biệt là đối với những trẻ nhút nhát, sẽ khiến trẻ càng tự ti hơn về bản thân mình.
Cho trẻ luyện tập có kiểm soát
Có kiểm soát ở đây chính là phần quan trọng nhất. Cha mẹ đặc biệt không nên “đẩy” những đứa trẻ nhút nhát vào các tình huống đòi hỏi tương tác xã hội quá mức, hoặc những tình huống mới có thể khiến chúng cảm thấy thực sự khó chịu.
Cha mẹ chỉ cần cho trẻ nhiều cơ hội có kiểm soát để thực hành việc tiếp xúc với những thứ mới, gặp những người mới.
Động viên trẻ mở rộng bạn bè
Trẻ nhút nhát thường chỉ có 1 hoặc 2 người bạn, hoặc trẻ không có xu hướng bắt chuyện làm bạn với người lạ. Chính vì thế cha mẹ nên động viên, hướng dẫn trẻ bắt chuyện với bạn tại nơi sống, trường học…
Được làm quen với bạn bè trong môi trường quen thuộc sẽ giúp trẻ bớt tự ti vào bản thân mình hơn, trẻ bớt nhút nhát hơn.
Cho trẻ xem phim, đọc sách
Cho trẻ xem phim và đọc sách là cách hữu ích để giúp trẻ nhút nhát phát triển khả năng tự tin của mình. Cha mẹ hãy lựa chọn những cuốn sách, bộ phim phù hợp với độ tuổi và sở thích của trẻ.
Hãy thảo luận cùng trẻ khi xem phim hoặc đọc sách, kèm đó là khuyến khích trẻ suy ngẫm về những tình huống trong sách hoặc phim và cách giải quyết vấn đề. Có như thế mới giúp trẻ phát triển được khả năng tư duy, nâng cao kỹ năng giao tiếp, giúp trẻ tương tác tốt hơn.