PGS. TS. Nguyễn Tiến Thủy - Chủ tịch hội đồng trường Đại học Giao thông Vận tải TPHCM cho biết, với Việt Nam, trong 20 năm tới sẽ là giai đoạn đầu tư hạ tầng quy mô đặc biệt lớn về đường sắt, với hơn 1.500 km đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, 600 km đường sắt đô thị.
Các công trình này dự kiến hoàn thành xây dựng năm 2035 cùng với các dự án giao thông đường sắt kết nối khu vực với Trung Quốc, Lào, Campuchia...

Chuyên đề khoa học do trường Đại học Giao thông Vận tải TPHCM phối hợp với Trường Đại học Giao thông Bắc Kinh (Trung Quốc) tổ chức với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu giúp các doanh nghiệp trong ngành, giảng viên, sinh viên hiểu thêm về mô hình phát triển đường sắt cao tốc của Trung Quốc kết hợp giữa nhập khẩu công nghệ và tự chủ; xây dựng giao thông đường sắt trong địa hình phức tạp; mô hình phát triển theo định hướng giao thông công cộng (TOD)…
Phát triển hệ thống đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị tại Việt Nam là một lĩnh vực mới mẻ, đòi hỏi sự chuẩn bị toàn diện về nhân lực, công nghệ và cơ chế chính sách để triển khai hiệu quả các dự án.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam dự kiến khởi công xây dựng vào năm 2027. Theo tính toán ban đầu của Bộ Giao thông Vận tải, dự án cần khoảng 240.000 công nhân kỹ thuật cho thi công xây lắp hạ tầng. Để phục vụ dự án này, cần đến 13.800 nhân lực vận hành và khoảng 2.000 chuyên gia tư vấn.
Để đáp ứng nhu cầu này, thời gian qua, trường Đại học Giao thông Vận tải TPHCM đã chủ động hợp tác quốc tế để học tập kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu, ưu tiên các ngành nghề cốt lõi.

Từ năm 2008, trường đã bắt đầu đào tạo về đường sắt, cung cấp lực lượng kỹ sư cho việc thiết kế, xây dựng, quản lý dự án đường sắt của nước ta. Đây là trường đại học đầu tiên và duy nhất trong cả nước thành lập Viện đường sắt tốc độ cao, bắt đầu đào tạo chuyên sâu về ngành này.
Đại diện nhà trường cho biết, chiến lược tuyển sinh các chuyên ngành thuộc lĩnh vực đường sắt tốc độ cao của trường sẽ tận dụng tối đa nguồn nhân lực hiện có từ các chuyên ngành liên quan đang đào tạo, nhằm sử dụng được lợi thế là nền tảng về các kiến thức thuộc lĩnh vực giao thông vận tải.
Thời gian tới, trường cũng sẽ mở rộng tuyển sinh mới cho các chuyên ngành thuộc lĩnh vực đường sắt tốc độ cao, thu hút nguồn lực trẻ và tiềm năng để phát triển chuyên sâu trong lĩnh vực này gồm: Xây dựng Đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị; Kỹ thuật điều khiển tự động và thông tin tín hiệu đường sắt tốc độ cao; Cơ khí đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị; Khai thác đường sắt tốc độ cao.