Ngày 21/2, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025, thành phố sẽ tập trung triển khai những dự án lớn tạo động lực thúc đẩy phát triển cho vùng, khu vực như: Khởi công xây dựng ba cầu qua sông Hồng (Tứ Liên, Thượng Cát, Trần) và dự án đường sắt đô thị số 5 Văn Cao - Hòa Lạc.

Tuyến đường sắt đô thị số 5 được thiết kế theo tiêu chuẩn đường đôi khổ 1.435 mm, dài gần 39 km, trong đó 6,5 km đi ngầm, 2 km đi trên cao và gần 30 km đi trên mặt đất.
Tuyến đường đi qua 21 nhà ga gồm: 6 ga ngầm (Quần Ngựa, Kim Mã, Vành đai 1, Vành đai 2, Hoàng Đạo Thúy, Vành đai 3); một ga trên cao Tây Mỗ và 14 ga mặt đất (Lê Đức Thọ, Mễ Trì, An Khánh 1, An Khánh 2, Song Phương, Sài Sơn, Quốc Oai, Ngọc Mỹ, Đồng Bụt, Đồng Trúc, Đồng Bãi, Tiến Xuân, Trại Mới, Thạch Bình).
Dự án có hai depot để tập kết, bảo dưỡng, sửa chữa tàu và các tác nghiệp kỹ thuật khác.
Depot số 1 ở xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức rộng khoảng 18 ha. Depot số 2 nằm tại xã Yên Bình, huyện Thạch Thất, rộng khoảng 6,9 ha.
Dự kiến số lượng phương tiện cần thiết cho từng thời kỳ là 26 đoàn tàu vào năm 2025, tăng lên 37 đoàn tàu vào năm 2035 và 38 đoàn vào năm 2050.
Metro Văn Cao - Hòa Lạc tức tuyến số 5 hình thành sẽ kết nối và trung chuyển hành khách với các tuyến đường sắt đô thị số 2, 3, 4, 6, 7, 8, cho phép hành khách di chuyển nhanh và thuận tiện từ các khu vực ngoại ô vào trung tâm thành phố.
Đến nay, Hà Nội đang khai thác 2 đoạn tuyến metro là tuyến 2A (Cát Linh - Hà Đông) và tuyến số 3 Nhổn - ga Hà Nội.
Theo Quy hoạch chung, hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội gồm có 10 tuyến với trên 410 km. Thành phố đang điều chỉnh Quy hoạch chung, bổ sung 5 tuyến đường sắt dài 200 km. Như vậy đến năm 2045 tầm nhìn đến 2065, Hà Nội sẽ có 15 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 617 km.