Đăng nhập

TPHCM đẩy mạnh phát triển xe buýt điện để giảm ô nhiễm

00:00
00:00
00:00
VOH - Theo kế hoạch giai đoạn 2025 - 2030, TPHCM dự kiến mở thêm 72 tuyến buýt, nâng tổng số tuyến lên 210. Trong đó, xe buýt điện sẽ chiếm tỷ lệ ngày càng lớn.

Hiện TPHCM đang vận hành 138 tuyến xe buýt, trong đó có 108 tuyến được trợ giá và 30 tuyến không trợ giá, với tổng cộng khoảng 2.221 xe. Đáng chú ý, thành phố đã đưa vào sử dụng 168 xe buýt điện và 528 xe chạy bằng khí thiên nhiên nén (CNG). Đây là bước đi quan trọng trong lộ trình phát triển giao thông xanh.

Từ năm 2022, thành phố đã thí điểm 5 tuyến buýt điện, và đến nay, tuyến D4 (Vinhomes Grand Park – Bến xe buýt Sài Gòn) đã chính thức đi vào hoạt động. Cuối năm 2024, TPHCM tiếp tục triển khai thêm 17 tuyến buýt điện mới nhằm kết nối với tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).

Điều này giúp tăng cường tích hợp giữa các loại hình giao thông công cộng, đồng thời giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường.

1742875493-xe-buyt-4-17256306653471572230644Xem toàn màn hình
Từ năm 2025, 100% xe buýt mới sẽ sử dụng điện - Ảnh minh họa.

Theo Sở Giao thông Công chánh TPHCM, ô nhiễm không khí do giao thông đang là vấn đề nghiêm trọng, đặc biệt tại các khu vực có mật độ phương tiện cao. Ước tính, thiệt hại kinh tế do ô nhiễm lên tới 10,8 - 13,2 tỷ USD mỗi năm. Việc chuyển đổi sang xe buýt điện được xem là giải pháp cấp thiết để cải thiện chất lượng không khí.

Để thúc đẩy quá trình này, UBND TPHCM đã ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật cho dịch vụ vận tải bằng xe buýt điện cỡ lớn. Đây là cơ sở để thành phố tổ chức đấu thầu, lựa chọn đơn vị vận hành phù hợp và đẩy nhanh việc thay thế xe chạy dầu diesel.

Theo kế hoạch, từ năm 2025 đến 2029, các xe buýt diesel đã hoạt động trên 15 năm sẽ dần được thay thế bằng xe điện hoặc xe sử dụng năng lượng sạch. Cụ thể, đến năm 2027, 32 tuyến với 572 xe diesel sẽ chuyển sang điện; năm 2028 thêm 21 tuyến (gần 400 xe); năm 2029 là 19 tuyến (268 xe).

Đến năm 2030, TPHCM phấn đấu đạt 100% xe buýt sử dụng điện hoặc năng lượng xanh.

Đối với các tuyến không trợ giá, từ năm 2025, tất cả tuyến mới hoặc xe thay thế bắt buộc phải là xe điện. Để hỗ trợ doanh nghiệp, thành phố sẽ áp dụng các chính sách ưu đãi vay vốn, đồng thời đầu tư xây dựng hệ thống trạm sạc tại các bến xe và bãi đỗ.

Với những bước đi cụ thể này, TPHCM đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu phát triển giao thông bền vững, góp phần bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng sống cho người dân.

Bình luận