TPHCM tăng tốc giao thông xanh, hướng tới phát thải ròng bằng 0

VOH - Nhằm hiện thực hóa cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Thành phố Hồ Chí Minh đang thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi giao thông xanh với hàng loạt chính sách và dự án đột phá.

Theo kế hoạch của Sở Giao thông Vận tải TPHCM, từ năm 2025, toàn bộ xe buýt mới sẽ chuyển sang sử dụng điện hoặc năng lượng sạch. Đến năm 2030, ít nhất 50% phương tiện giao thông sẽ sử dụng năng lượng xanh, và đến 2050, 100% xe buýt và taxi trên toàn thành phố sẽ không phát thải khí carbon.

Thành phố cũng đặt mục tiêu chuyển đổi 1.874 xe buýt sử dụng năng lượng sạch trước năm 2030. Bên cạnh đó, 25 trạm sạc điện với hơn 6.700 trụ sạc công suất cao sẽ được xây dựng, tạo tiền đề quan trọng cho việc chuyển đổi sang phương tiện giao thông xanh.

Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi, TPHCM triển khai các chính sách hỗ trợ tài chính hấp dẫn. Các đơn vị vận tải đầu tư xe buýt điện được vay tối đa 85% tổng mức đầu tư với lãi suất cố định chỉ 3%/năm. Các phương tiện giao thông điện nhập khẩu được miễn trước bạ và giảm thuế tiêu thụ đặc biệt trong 5 năm đầu.

Bên cạnh giao thông, TPHCM cũng đang giải quyết vấn đề ô nhiễm ánh sáng đô thị, vốn gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và môi trường. Dự án “Chuyển đổi chiếu sáng xanh hướng tới  Net Zero” đã được công bố, với sự hợp tác giữa TPHCM và Tổng Lãnh sự quán Hà Lan cùng các doanh nghiệp quốc tế.

Bản sao của thumb liên cầu lợn (8)

Mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50% và đến năm 2050 thì 100% xe buýt và taxi đều sử dụng năng lượng xanh - Ảnh: VnEconomy.

Dự án tập trung thay thế đèn chiếu sáng công cộng bằng công nghệ LED tiết kiệm năng lượng và giảm thiểu ánh sáng dư thừa từ biển quảng cáo. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc xây dựng đô thị xanh, thân thiện với môi trường.

Hiện tại, TPHCM đã thí điểm thành công hệ thống xe đạp công cộng tại quận 1 với 43 trạm và 388 xe, thu hút trung bình 700 người đăng ký mỗi ngày. Đây là một giải pháp giao thông xanh vừa phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, vừa thúc đẩy du lịch.

Với hơn 10 triệu phương tiện giao thông và lượng phát thải carbon hàng năm lên đến 35 triệu tấn, TP.HCM đang đặt mục tiêu giảm 90% lượng khí thải tăng thêm vào năm 2030. Những nỗ lực này không chỉ đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững mà còn đóng góp quan trọng vào công cuộc chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

Bình luận