Hành là hàng hiếm lúc này nha anh Hai.
Hai Sài Gòn liền đáp: hiếm đâu mà hiếm, trong siêu thị bán đầy kìa anh Tư.
Tư hưu trí liền thắc mắc: vậy sao trên mạng đồn hành giờ hiếm lắm, mắc lắm. Nghe đâu lên 100 ngàn 1 ký, còn ớt nữa chứ 400 ngàn 1 ký kia kìa.
Hai Sài Gòn liền hỏi lại: vậy anh Tư có đi siêu thị mua chưa? Hay chỉ nghe nói?
Tư hưu trí trả lời: Tui có kêu thằng con đi mua. Mà nó nói trên mạng nói mắc quá, với lại ra siêu thị xếp hàng dài lắm nên thôi ở nhà, không đi mua luôn.
Hai Sài Gòn liền chỉnh: Bởi ta nói, khoái nghe trên mạng. Nghe xong rồi không chịu đi mua. Rồi nằm nhà than, rồi lại dùng mạng xã hội đăng lên nói theo người ta là cái này mắc, cái kia mắc, chỗ này đông, chỗ này vắng. Mình phải có kiểm chứng chứ anh Tư.
Tư hưu trí hơi sượng liền nói: Thì giờ tui mới đi siêu thị xem và mua nè anh Hai.
Hai Sài Gòn liền chỉ tay về hướng siêu thị nói: Kìa kìa, anh coi có ai xếp hàng rồng rắn gì không? Có đông là đông một số thời điểm buổi sáng hay một số thời điểm người dân đi mua cùng lúc thôi. Sau đợt dịch này, chắc phải mở khóa học kỹ năng sống trong mùa dịch để kiếm tiền quá.
Tư hưu trí nhìn qua hướng siêu thị gật gù: đúng rồi anh Tư, giờ thấy vắng thiệt. Mà kỹ năng sống trong mùa dịch là sao? Anh Hai chỉ tui vài chiêu áp dụng coi.
Hai Sài Gòn đáp: nè, thứ nhất là đừng khoái nghe tin trên mạng. Nếu có nghe thì phải nghe có chọn lọc và có kiểm chứng từ thông tin chính thống.
Tư hưu trí liền bắt bẻ: đã dở không biết, coi đại tin trên mạng mà kiểm chứng làm sao được chứ anh Hai.
Hai Sài Gòn liền chỉ: nè, rất đơn giản. Anh Tư vừa thấy tin gì đó trên mạng mà sốt dẻo, giật gân, làm anh Tư hoang mang. Anh Tư bình tĩnh vào các trang thông tin chính thống để kiểm tra, để coi lại có tin đó trên trang chính thống hay không. Ví dụ như anh Tư coi ở báo Sài Gòn Giải Phóng nè, coi ở đài truyền hình thành phố nè, nghe ở Đài tiếng nói nhân dân thành phố nè. Còn không gõ nhanh voh.com.vn để kiểm tra lại. Nếu những thông tin liên quan đến người dân, liên quan đến chính sách của thành phố thì có đầy đủ hết.
Tư hưu trí gật gù: ờ ờ, Kỹ năng sống trong mùa dịch chỉ vậy thôi hả anh Hai?
Hai Sài Gòn nói tiếp: đâu chỉ vậy anh Tư. Chẳng hạn như đi siêu thị nè. Nếu thấy siêu thị gần nhà đông thì mình đi qua siêu thị xa hơn 1 chút. Thấy siêu thị nào vắng vắng thì nhảy vô mua nhanh rồi về nhanh. Chứ đi siêu thị mà không ghi trước danh mục mua, mùa này vô đó đi te te như đi hóng gió thì dễ hốt con covid về nhà lắm nha anh Tư.
Tư hưu chí khoái chí nói: Hèn gì? Tại có thói quen đi đâu đi 1 chỗ, nên thấy đông vẫn vào xếp hàng nên càng đông hơn. Đúng là dở quá mà.
Hai Sài Gòn liền chen ngang: Còn nữa nè. Nếu mà có mua đồ khô, mua 1, 2 món lặt vặt, thì có mấy tiệm tạp hóa bán đồ khô ở xóm, mình gọi lấy chai xà bông gội đầu, hay bịch xà bông giặt đồ. Nói người ta để sẵn ở cửa, rồi mình đi ra lấy vô nhà. Bắn chuyển khoản tiền cho nhanh. Đỡ phải đưa tiền tiếp xúc, đỡ phải bắt tay chào hỏi xã giao? Đỡ phải ra siêu thị đúng hông?
Tư hưu trí ậm ờ: ừ hén, chứ tui cũng thấy tụi nhỏ thiếu gì lặt vặt 1 hay 2 cái gì đó là chạy ra siêu thị. Anh Hai nói tui mới nghiệm ra: siêu thị đâu phải lúc nào cũng đông. Gần nhà, lú đầu ra xem có nhiều người thì thôi không ra, lát nữa thấy ít người ra mua thì cũng đâu có sao đâu phải không anh Hai? À còn giá cả giờ sao anh Hai?
Hai Sài Gòn đáp tỉnh bơ: Giá cả ở siêu thị cũng bình ổn thôi, có tăng gì nhiều đâu anh Tư. Nè, bó hành anh Tư nói ở ngoài bán 100 ngàn 1 ký. Tui mới mua 60 ngàn 1 ký nè anh Tư. Hành tươi, rễ sạch bon nè. Trong siêu thị có đầy các loại rau kìa.
Tư hưu trí lại thắc mắc: vậy sao nhiều lúc đi siêu thị tụi nhỏ nói trên kệ sạch trơn là sao anh Hai.
Hai Sài Gòn thở dài: Trời ơi, anh Tư ơi là anh Tư. Ngày xưa dân mình quen đi chợ truyền thống, ít đi siêu thị nên hàng trên kệ siêu thị lúc nào cũng còn hoài. Còn giờ, thành phố mình thực hiện chỉ thị 16 của Thủ tướng chính phủ, giãn cách xã hội, người dân tuân thủ không họp chợ, thì người dân đổ dồn qua mua siêu thị. Nhiều người như anh Tư có thói quen mua 1 chỗ, thích siêu thị nào thì nhảy vô siêu thị đó mua dù ở phường này hay phường khác thì hàng có lúc hết là đúng rồi.
Hai Sài Gòn hạ giọng, nói tiếp: Siêu thị này hết thì mình chịu khó đi siêu thị xa hơn chút để mua. Chứ mới lại chỗ hay mua hết là chạy về than, rồi đăng lên mạng xã hội: siêu thị hết hàng, hàng chỉ có nhiều trên ti-di thôi. Rồi người khác nghe, không kiểm chứng, rồi không chịu đi mua, rồi lại đăng theo lên mạng xã hội: hàng hết- hết hàng. Làm vậy hoài ai mà chịu cho thấu anh Tư.
Tư hưu trí nghe xong liền nói: thôi thôi, tui hiểu rồi anh Hai ơi. Tốt nhất là bớt khoái nghe trên mạng, bớt nói theo mấy cái xấu trên mạng để cho mọi người bớt lo lắng. Mấy thằng cháu tui, tui phải chỉnh lại tụi nó mới được.
Tư hưu trí nói xong, không quên cà khịa Hai Sài Gòn: Khi nào anh Hai mở khóa học kỹ năng sống trong mùa dịch, cho tui đăng ký tham gia với nha. Hì Hì.
Hai Sài Gòn gật gù phán chắc nịch: Ngày mai mở học online luôn, chứ chờ gì nữa anh Tư.