Tiêu điểm: Nhân Humanity

Học gì để làm công việc Kiểm soát viên không lưu?

VOH - Kiểm soát viên không lưu là người chỉ huy, điều hành, đảm bảo an toàn bay cho tất cả các chuyến bay.

Kiểm soát viên không lưu làm việc tại cơ sở điều hành bay, chịu trách nhiệm chỉ huy tàu bay từ khi tàu bay nổ máy tại sân đỗ cho đến khi tàu bay hạ cánh, lăn vào vị trí đỗ. Họ phải đảm bảo an toàn khi lưu thông, ngăn ngừa va chạm cho toàn giữa các tàu bay, giữa các tàu bay với các chướng ngại vật trên khu hoạt động tại sân bay.

Ngày nay, khi máy bay đã trở thành phương tiện di chuyển phổ biến, nghề Kiểm soát viên không lưu cũng được biết đến nhiều hơn.

Kiểm soát viên không lưu
Đào tạo kiểm soát viên không lưu tại Học viện Hàng không Việt Nam - Ảnh: T.Huyền

Xem thêm: Cơ hội nghề nghiệp rộng mở cho sinh viên ngành Xây dựng công trình hàng không tại Việt Nam

Các kiểm soát viên không lưu làm việc ở đâu?

Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam - Doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải hiện có gần 500 kiểm soát viên không lưu làm việc tại các cơ sở điều hành bay trên toàn quốc, hàng ngày điều hành trên 16.000 chuyến bay trong nước, quốc tế.

Kiểm soát viên không lưu được bố trí làm việc tại các cơ sở điều hành bay với trang thiết bị hiện đại đặt tại các sân bay Quốc tế như sân bay Nội Bài, sân bay Đà Nẵng, sân bay Tân Sơn Nhất và tại các sân bay địa phương khác.

Các cơ sở điều hành bay hiện đại của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam có thể kể đến như: Trung tâm kiểm soát không lưu đường dài, tiếp cận Hồ Chí Minh (AACC Hồ Chí Minh), Trung tâm kiểm soát đường dài Hà Nội (ACC Hà Nội), Đài chỉ huy Nội Bài (TWR Nội Bài), Đài chỉ huy Tân Sơn Nhất (TWR Tân Sơn Nhất)…

Kiểm soát viên không lưu cần có kiến thức gì?

Do tính chất quan trọng của nghề kiểm soát không lưu nên đòi hỏi người làm nghề kiểm soát không lưu phải có am hiểu sâu sắc về nghề nghiệp, có phản ứng nhanh nhạy, có trình độ tiếng Anh đáp ứng yêu cầu theo quy định của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) để giao tiếp với người lái và đặc biệt người kiểm soát viên không lưu cần phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình làm việc.

Do kiểm soát viên có vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo đảm an toàn hoạt động bay nên hàng năm, lực lượng này đều được tham gia các khóa học bồi dưỡng nghiệp vụ trong nước và tại các cơ sở đào tạo huấn luyện hàng không có uy tín trên thế giới tại Singapore, Thailan, New Zealand...

Mức lương của kiểm soát viên không lưu?

Hiện nay, mức thu nhập bình quân của một kiểm soát viên không lưu là trên 27 triệu đồng/tháng, thu nhập thực tế của từng kiểm soát viên không lưu tùy thuộc vào thâm niên công tác và đóng góp thực tế. Ngoài ra kiểm soát viên không lưu còn có các chế độ, quyền lợi khác theo quy định của Nhà nước và của công ty.

Học ngành gì để trở thành kiểm soát viên không lưu?

Để có thể làm được công việc kiểm soát viên không lưu, học sinh có thể chọn học bậc đại học hoặc cao đẳng. Ví dụ như học ngành Kiểm soát không lưu (hệ cao đẳng) hoặc học ngành Quản lý hoạt động bay (hệ đại học) – tại Học viện Hàng không Việt Nam.

Ngành Quản lý hoạt động bay đào tạo những sinh viên trở thành Kỹ sư chuyên ngành Quản lý hoạt động bay; quản lý, điều hành hoạt động bay dân dụng, đảm bảo an toàn, điều hòa cho việc cất và hạ cánh của các chuyến bay, giám sát trung tâm bay theo các phương pháp và chính sách đã ban hành, đưa ra những chỉ dẫn cần thiết cho việc cất cánh và hạ cánh.

Kiểm soát viên không lưu
Sinh viên Học viện Hàng không Việt Nam - Ảnh: T.Huyền

Những kiến thức được đào tạo cho kiểm soát viên không lưu?

Sinh viên sẽ được trang bị những kiến thức cơ bản về hàng không liên quan đến chuyên ngành kiểm soát không lưu: nguyên lý bay, tàu bay, sân bay, quy tắc bay, dịch vụ không lưu, dẫn đường bay, khí tượng hàng không, thông báo tin tức hàng không, an ninh hàng không, tìm kiếm cứu nạn...

  • Áp dụng được về tính năng của tàu bay liên quan hoạt động đi và đến của tàu bay trong sân bay và trong vùng trách nhiệm (tỷ tốc bay lên, bay xuống; tốc độ bay đường dài; tính năng tàu cánh);
  • Trình bày được các số liệu đường cất hạ cánh, các cự ly công bố; sân đỗ, đường lăn và các vị trí để kiểm tra dữ liệu kỹ thuật; hệ thống kiểm soát, hướng dẫn di chuyển mặt đất và sơn kẻ dấu hiệu;
  • Trình bày được cấu tạo và nguyên lý hoạt động của các trang thiết bị kỹ thuật phục vụ tàu bay trên khu vực sân bay
  • Trình bày được các số liệu đường cất hạ cánh, các cự ly công bố; sân đỗ, đường lăn và các vị trí để kiểm tra dữ liệu kỹ thuật; hệ thống kiểm soát, hướng dẫn di chuyển mặt đất và sơn kẻ dấu hiệu;
  • Trình bày được vùng trời kiểm soát, kích thước của khu vực kiểm soát và các dịch vụ không lưu được cung cấp, cấu trúc đường hàng không; Các chướng ngại vật sân bay, khu vực cấm, hạn chế và nguy hiểm (đặc tính địa hình/địa vật bao gồm độ cao, phương vị và cự ly so với sân bay; vị trí, kích thước và hoạt động của các khu vực cấm bay, hạn chế bay và nguy hiểm); loại tin tức khí tượng được cung cấp;
  • Trình bày được các loại điện văn khí tượng để chọn lựa đường hạ cất cánh phù hợp cho tàu bay, điện văn NOTAM có ảnh hưởng đến các hoạt động an toàn bay của tàu bay.
  • Định nghĩa được phương tiện thông tin liên lạc đối không (Các kênh VHF/UHF và tần số ở các phân khu (sector)); đài phù trợ vô tuyến dẫn đường và hạ cánh (vị trí và loại, tần số và tên hiệu, tầm phủ và độ chính xác);
  • Áp dụng được phương thức bay chờ, tiếp cận, hạ cánh và khởi hành: Phương thức bay chờ, tiếp cận bằng thiết bị được thiết lập; Phương thức đến và đi chuẩn (STARs & SIDs); Phương thức tiếp cận hụt cho mỗi loại tiếp cận; Phương thức dự phòng trong trường hợp trang thiết bị bị hỏng; Mực bay và độ cao chuyển tiếp; Độ cao an toàn tối thiểu.
  • Vận dụng được phương thức không lưu hàng không dân dụng, quy chế bay trong khu vực sân bay, phương thức điều hành bay, các hình thức phân cách giữa các tàu bay, phân cách tối thiểu; Phương thức hiệp đồng (thỏa hiệp thư); phương thức xử lý tình huống khẩn cấp;
  • Hiểu và sử dụng được các tài liệu kỹ thuật chuyên ngành bằng tiếng Anh và tiếng Anh chuyên ngành kiểm soát không lưu;
  • Trình bày được kế hoạch, số lượng, thứ tự tàu bay sẵn sàng cất cánh;
  • Trình bày được các yếu tố khí tượng để chọn lựa thời gian và đường cất hạ cánh phù hợp cho tàu bay;
  • Hiểu và áp dụng được các qui định, yêu cầu của đơn vị và các khuyến cáo của ICAO.

Ngoài ra, các bạn sẽ được trang bị các kỹ năng cứng như:

  • Phân tích được các sơ đồ, bản đồ liên quan của sân bay;
  • Kiểm soát được tàu bay trong vùng trời kiểm soát, ở mặt đất và phương tiện, trang thiết bị tại khu bay;
  • Phát hiện được những bất thường của tàu bay cất cánh và bất kỳ chướng ngại vật nào xảy ra trên bề mặt đường băng , đường lăn, sân đỗ;
  • Hiệp đồng được với các cơ quan liên quan;
  • Sử dụng thành thạo các trang thiết bị sẵn có như hệ thống liên lạc (intercom), bộ đàm, ống nhòm;
  • Sử dụng thành thạo các chức năng trên bàn phím của hệ thống ra-đa; khí tượng; hệ thống khai thác các loại điện văn;
  • Sử dụng thành thạo các dụng cụ, trang thiết bị để nhận biết hoặc thu thập thông tin về tình trạng đường băng, đường lăn, sân đỗ; hệ thống kiểm soát, hướng dẫn di chuyển mặt đất và sơn kẻ dấu hiệu;
  • Phát hiện được những bất thường xảy ra trên bề mặt đường băng, đường lăn, sân đỗ, vùng trời kiểm soát;
  • Ngăn ngừa và xử lý được các sự cố về an bay có thể xảy ra trong khi thực hiện nhiệm vụ;
  • Thông tạo các kỹ năng kiểm soát hoạt động bay tại sân bay, vùng trời kiểm soát tiếp cận và vùng trời kiểm soát đường dài;
  • Phát âm chuẩn, đọc rõ ràng, mạch lạc;
  • Kiểm tra và giám sát việc thực hiện công việc của người có trình độ trung cấp nghề;
  • Ghi chép được nhật ký lắp đặt, nhật ký vận hành.

Kỹ năng mềm

  • Kỹ năng giao tiếp xã hội và hội nhập cộng đồng: Có kỹ năng giao tiếp và có quan hệ tốt với đối tác, đồng nghiệp, cấp trên, cấp dưới… nâng cao hiệu quả giải quyết công việc;
  • Kỹ năng hội nhập quốc tế: Có kỹ năng giao tiếp và có quan hệ tốt với đối tác, đồng nghiệp, cấp trên, cấp dưới… là người nước ngoài nâng cao hiệu quả giải quyết công.
Bình luận