Giảm các vụ va chạm giữa tàu thuyền và cá voi bằng cách làm cho 2,6% bề mặt đại dương an toàn hơn

VOH - Một nghiên cứu mới cho thấy, mở rộng các biện pháp giảm va chạm trên 2,6% diện tích bề mặt đại dương có thể giảm nguy cơ tàu thuyền đâm vào cá voi tại các khu vực có nguy cơ cao trên toàn cầu.

Va chạm giữa tàu thuyền và cá voi có thể gây tử vong cho các loài động vật biển này, nhưng các chuyên gia cho biết, phần lớn các vụ va chạm không được quan sát hoặc báo cáo, khiến việc xác định quy mô vấn đề trở nên khó khăn. Một số ước tính cho rằng hàng chục nghìn con cá voi bị giết hại mỗi năm vì lý do này.

Tiến sĩ Jennifer Jackson thuộc Cơ quan Khảo sát Nam Cực Anh, đồng tác giả nghiên cứu, chia sẻ: “Đây là nghiên cứu đầu tiên phân tích vấn đề này trên quy mô toàn cầu, giúp xác định các mô hình nguy cơ va chạm qua bộ dữ liệu khổng lồ về bốn loài cá voi đang hồi phục số lượng”.

ca voi (1)

Hầu hết các khu vực “điểm nóng" đều thiếu các biện pháp phòng ngừa hiệu quả. - Ảnh: The Guardian.

Trong bài nghiên cứu, được đăng trên tạp chí Science, nhóm nghiên cứu đã phân tích cơ sở dữ liệu gồm 435.000 vị trí cá voi được ghi nhận từ năm 1960 đến 2020, bao gồm các loài cá voi xanh, cá voi vây, cá voi lưng gù và cá nhà táng.

TIến sĩ Jackson cho biết, đây là bốn loài có tập tính di cư xa, phân bố toàn cầu và được ghi nhận chịu tác động bởi va chạm với tàu thuyền, với nhiều báo cáo quan sát.

Sau đó, nhóm nghiên cứu đã kết hợp dữ liệu này với hơn 35 tỷ vị trí từ 175.960 tàu thuyền để ước tính nguy cơ va chạm giữa tàu thuyền và cá voi ở các đại dương trên thế giới.

Kết quả cho thấy, hoạt động hàng hải diễn ra trên 91,5% phạm vi phân bố của bốn loài cá voi, đặt chúng vào nguy cơ cao bị va chạm với tàu thuyền.

Các nhà nghiên cứu cũng xác định được các "điểm nóng", những khu vực thuộc nhóm 1% có nguy cơ va chạm cao nhất.

Hầu hết các “điểm nóng” tập trung quanh đường bờ biển lục địa, với tỷ lệ cao nhất ở Ấn Độ Dương. Tuy nhiên, một số khu vực giữa đại dương như Azores cũng được ghi nhận là điểm nóng, đặc biệt đối với cá voi xanh và cá nhà táng.

Nghiên cứu còn chỉ ra rằng, gần 5% các “điểm nóng” ảnh hưởng đến ba trong bốn loài cá voi, và gần 20% các “điểm nóng” liên quan đến hai loài cá voi.

Theo bà Jackson, hơn 95% các điểm nóng nguy cơ va chạm đối với tất cả các loài cá voi được ghi nhận nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), nhấn mạnh tầm quan trọng của việc áp dụng các quy định quốc gia để giảm thiểu rủi ro này trên phạm vi toàn cầu.

Khi xem xét các biện pháp quản lý như vùng giảm tốc độ tàu hoặc thay đổi lộ trình tàu thuyền, nhóm nghiên cứu nhận thấy mức độ bảo vệ khác nhau tại các “điểm nóng”.

Tuy nhiên, chưa đến 7% các “điểm nóng” được bảo vệ bởi các biện pháp tự nguyện, và chưa đến 1% được bảo vệ bởi các biện pháp bắt buộc.

Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng, những can thiệp này có thể mang lại hiệu quả lớn, với việc quản lý chỉ cần mở rộng trên 2,6% diện tích bề mặt đại dương để bao phủ toàn bộ các “điểm nóng" nguy cơ.

Mặc dù mối đe dọa từ việc va chạm gia tăng cùng với sự phát triển của ngành hàng hải, nhóm nghiên cứu cảnh báo rằng, khủng hoảng khí hậu có thể làm tình hình nghiêm trọng hơn.

Sự suy giảm băng biển ở Bắc Cực có thể mở ra các tuyến thương mại mới và khiến các quần thể cá voi di chuyển về phía bắc.

Bình luận