Nghiên cứu đã mang đến bằng chứng trực tiếp đầu tiên cho thấy, loài Australopithecus, một tổ tiên quan trọng trong quá trình tiến hóa của con người, với sự kết hợp giữa các đặc điểm giống vượn và người, có chế độ ăn chủ yếu dựa vào thực vật, rất ít hoặc gần như không ăn thịt.
Nghiên cứu, được công bố trên tạp chí Science, đã phân tích hóa học men răng của 7 cá thể Australopithecus từ Nam Phi sống cách đây 3,7 đến 3,3 triệu năm trước để xác định thói quen ăn uống của loài này.

Hình minh họa hai trong số bảy chiếc răng hàm của cá thể Australopithecus. - Ảnh: Reuters
Theo nhà địa hóa học Tina Lüdecke thuộc Viện Hóa học Max Planck, Đức, thịt có thể đã đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển não bộ trong quá trình tiến hóa của loài người, vì đây là nguồn cung cấp năng lượng cô đặc cùng các dưỡng chất thiết yếu như vitamin và khoáng chất.
Tuy nhiên, dữ liệu từ nghiên cứu đã thách thức giả thuyết thịt là thành phần chủ yếu trong chế độ ăn của loài Australopithecus. Điều này cho thấy, việc tiêu thụ thịt có thể là một sự phát triển ở giai đoạn muộn hơn, xuất hiện ở các loài Australopithecus khác hoặc các loài trong dòng họ người (hominin).
Loài Australopithecus sinh sống tại khu vực Đông Phi và Nam Phi từ khoảng 4,2 triệu năm đến 1,9 triệu năm trước. Trong khi đó, loài người hiện đại (Homo sapiens) chỉ xuất hiện khoảng 300.000 năm trước.
Australopithecus có khuôn mặt giống vượn, bộ não chỉ bằng khoảng một phần ba so với loài người hiện đại, cùng với đôi tay dài với các ngón tay cong thích hợp để leo trèo. Dù vậy, chúng có khả năng đi bằng hai chân và di chuyển thẳng đứng.
Bà Lüdecke cho biết, các cá thể Australopithecus được nghiên cứu là những cá thể có chế độ ăn hoàn toàn dựa vào thực vật, với chế độ ăn gồm các loại trái cây, lá cây và các loài thực vật có hoa trên vùng đồng cỏ savannah.
Một trong những hóa thạch nổi tiếng nhất của loài này là "Lucy", được phát hiện ở Ethiopia vào năm 1974, với niên đại khoảng 3,2 triệu năm.
Lucy thuộc loài Australopithecus afarensis, trong khi 7 cá thể trong nghiên cứu được cho là thuộc loài Australopithecus africanus.
Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã phân tích hóa học men răng của những hóa thạch tại hang Sterkfontein, Nam Phi, một khu vực nổi tiếng với các hóa thạch hominin cổ đại.
Kết quả cho thấy, tỷ lệ đồng vị nitơ trong răng của loài Australopithecus tương tự như ở các loài động vật ăn cỏ như linh dương, thay vì giống các loài ăn thịt như linh cẩu hay mèo răng kiếm.
Theo nhà nghiên cứu Alfredo Martínez-García, đồng tác giả nghiên cứu, nếu loài Australopithecus không tiêu thụ nhiều thịt, điều này phù hợp với giả thuyết về sự thay đổi chế độ ăn uống đã góp phần vào sự phát triển não bộ ở các loài hominin sau này.
Ông Martínez-García cho biết, việc ăn thịt cũng có thể góp phần làm tăng thể trạng, giảm kích thước hệ tiêu hóa, thúc đẩy sự phức tạp trong xã hội và sử dụng công cụ trong dòng dõi hominin.