Chờ...

Phát triển bền vững 3/4: Sắp bán hơn 5 triệu tín chỉ carbon rừng với giá 10 USD/tấn| Sớm hoàn thiện hạ tầng, chính sách hỗ trợ FDI xanh

VOH - Đến năm 2025, Việt Nam sẽ thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon; Giảm điện than, ưu tiên năng lượng tái tạo; Doanh nghiệp Việt trước áp lực chuyển đổi mô hình kinh doanh từ đối tác châu Âu.
Phát triển bền vững 3/4: Sắp bán hơn 5 triệu tín chỉ carbon rừng với giá 10 USD/tấn| Sớm hoàn thiện hạ tầng, chính sách hỗ trợ FDI xanh 1
Việt Nam có thể thu gần 1.300 tỷ đồng nếu đơn vị mua trả 10 USD một tấn

Việt Nam sắp bán hơn 5 triệu tín chỉ carbon rừng với giá tối thiểu 10 USD/tấn

Việt Nam chuyển nhượng cho tổ chức LEAF/Emergent 5,15 triệu tín chỉ carbon rừng (5,15 triệu tấn CO₂) tại vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên trong giai đoạn 2022-2026, với giá tối thiểu 10 USD/tấn. Đó là thông tin từ Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết Việt Nam chưa có thị trường bắt buộc với tín chỉ carbon.

Với 5,15 triệu tấn CO2 từ rừng Nam Trung bộ và Tây Nguyên, Việt Nam có thể thu gần 1.300 tỷ đồng nếu đơn vị mua trả 10 USD một tấn, theo thỏa thuận.

Việc chuyển giao kết quả giảm phát thải được thực hiện thông qua các thỏa thuận đàm phán song phương giữa các bên liên quan theo thị trường tự nguyện.

Hiện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được Thủ tướng giao triển khai 2 thỏa thuận chuyển nhượng kết quả giảm phát thải.

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hoàn thiện nộp hồ sơ đăng ký chí cấp tín chỉ theo tiêu chuẩn TREES.

Đồng thời, đang khẩn trương tổ chức các phiên đàm phán kỹ thuật với Tổ chức Emergent để hoàn thiện đề án đàm phán, báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định.

Đối với ERPA Bắc Trung Bộ, Cục Lâm nghiệp cho biết Việt Nam hoàn thành chuyển nhượng 10,3 triệu tín chỉ carbon cho Ngân hàng Thế giới (WB) và đã tiếp nhận 51,5 triệu USD.

Ông Trần Quang Bảo, cục trưởng Cục Lâm nghiệp, cho biết hiện đã phân bổ 80% số tiền trên cho 6 tỉnh Bắc Trung Bộ tham gia và trong 1 đến 2 tháng nữa sẽ phân bổ hết số tiền còn lại cho các địa phương.

Đồng thời tiếp tục phối hợp với WB để đo đếm, xác nhận lượng tín chỉ giai đoạn 2 (2020-2022), giai đoạn 3 (2023-2024), tìm kiếm các đối tác có nhu cầu tiếp nhận để tiến hành đàm phán chuyển nhượng, đảm bảo quyền lợi của quốc gia và huy động nguồn lực bổ sung cho công tác bảo vệ và phát triển rừng vùng Bắc Trung Bộ.

Đến năm 2025, Việt Nam sẽ thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon

Theo Nghị định 06/2022/NĐ-CP, giai đoạn đến hết năm 2027 sẽ xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon… đến năm 2025 sẽ thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon; triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về phát triển thị trường carbon.

Hiện nay, mức giá carbon trên thị trường tự nguyện trên thế giới thường dao động từ 2 đến 4 USD/tấn carbon, trong đó giá carbon trung bình của các chương trình/dự án tại khu vực châu Á biến động qua các năm 2019, 2020, 2021 lần lượt là 1.8; 1.6; 3.09 USD/tấn carbon. Giá trung bình cập nhật tại thời điểm hiện nay của thị trường này là 1.07 USD/tấn carbon.

Trong khi đó, thị trường carbon nội địa (thị trường bắt buộc), giá bán carbon sẽ phụ thuộc vào quy định chính sách của quốc gia.

Hiện nay, trên thế giới có gần 30 quốc gia, vùng lãnh thổ đã ban hành thuế carbon, với mức thuế từ 1 đến 137 USD/tấn carbon.

Hiện nay, Bộ NN&PTNT đã hoàn thiện nộp hồ sơ đăng ký chí cấp tín chỉ theo tiêu chuẩn TREES (hay còn gọi tiêu chuẩn môi trường REDD+tối ưu). Đồng thời, đang khẩn trương tổ chức các phiên đàm phán kỹ thuật với Tổ chức Emergent để hoàn thiện Đề án đàm phán, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

Bộ NN&PTNT cho biết, định hướng giai đoạn từ năm 2028 sẽ tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức; quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới.

Giảm điện than, ưu tiên năng lượng tái tạo

Phát triển bền vững 3/4: Sắp bán hơn 5 triệu tín chỉ carbon rừng với giá 10 USD/tấn| Sớm hoàn thiện hạ tầng, chính sách hỗ trợ FDI xanh 2

Đến năm 2030, tỉ trọng các nhà máy nhiệt điện sẽ giảm, các nguồn điện năng lượng tái tạo tiếp tục được ưu tiên phát triển

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII).

Theo kế hoạch tới năm 2030, cơ cấu nguồn nhiệt điện khí trong nước và LNG sẽ đạt 37.330 MW, tương ứng 25,7% tổng công suất nguồn điện, chiếm tỉ trọng lớn nhất trong cơ cấu nguồn điện. Trong đó, nhiệt điện khí trong nước là 14.930 MW, chiếm 9,9% và nhiệt điện LNG 22.400 MW, chiếm 14,9%.

Bản quy hoạch đã nêu rõ lộ trình cắt giảm mạnh mẽ điện than, đưa mục tiêu phát triển trong vòng 20 năm (2030 - 2050) xóa bỏ hoàn toàn điện than để chuyển đổi, thay thế bằng các nguồn năng lượng sạch, đặc biệt là điện gió và điện khí.

Chuyên gia kinh tế - TS Ngô Trí Long cũng cho rằng việc triển khai điện khí LNG ở Việt Nam còn đối mặt với các rào cản về thị trường, nguồn vốn và cơ chế, chính sách. Do đó, cần tháo gỡ các rào cản này để hiện thực hóa mục tiêu phát triển nhiệt điện khí, LNG như Quy hoạch điện VIII đã đề ra.

Doanh nghiệp Việt trước áp lực chuyển đổi mô hình kinh doanh từ đối tác châu Âu

Chỉ thị báo cáo phát triển bền vững của doanh nghiệp do Liên minh châu Âu ban hành sẽ có hiệu lực từ năm 2024 đối với một số ngành sẽ tác động sâu rộng đến các doanh nghiệp Việt Nam.

Chỉ thị báo cáo phát triển bền vững của doanh nghiệp (Chỉ thị CSRD) được Liên minh châu Âu (EU) ban hành vào tháng 12/2022 và chính thức có hiệu lực từ 2024 đối với các công ty niêm yết ở EU có từ 500 nhân sự trở lên.

Còn đối với tám nhóm ngành gồm: dầu khí, khoáng sản, vận tải đường bộ, thực phẩm, xe hơi, nông nghiệp, năng lượng, dệt may và các công ty không đặt trụ sở tại EU sẽ được gia hạn thêm hai năm, đến tháng 6/2026.

Theo đánh giá của công ty tư vấn PwC Việt Nam, Chỉ thị CSRD đang và sẽ có tác động mạnh đến các doanh nghiệp có vốn đầu tư từ EU tại Việt Nam và các doanh nghiệp Việt Nam nằm trong chuỗi giá trị của các tập đoàn hoạt động tại thị trường châu Âu vì kim ngạch thương mại hai chiều EU - Việt Nam ngày càng tăng.

Từ khi Hiệp định EVFTA được ký kết, 25/27 nước thành viên EU đã đầu tư hơn 22 tỷ USD vào hơn 2.000 dự án tại Việt Nam. Ngược lại, Việt Nam đang là đối tác thương mại lớn thứ 16 của EU, đồng thời xếp thứ 11 trong các nước cung ứng hàng hóa lớn nhất vào thị trường này.

Theo Chỉ thị CSRD, nếu công ty mẹ xác định kinh tế tuần hoàn là một trong các chủ đề trọng yếu cần báo cáo thì các công ty con tại Việt Nam cũng phải tiến hành thu thập dữ liệu báo cáo về thực hành kinh tế tuần hoàn.

PwC Việt Nam cho rằng khối doanh nghiệp này nên lưu ý ba yêu cầu thuộc Chỉ thị CSRD là: sử dụng tài nguyên và kinh tế tuần hoàn, đa dạng sinh học và hệ sinh thái, các vấn đề xã hội và nhân quyền.

Cần sớm hoàn thiện hạ tầng, chính sách hỗ trợ FDI xanh

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dung cho biết, cần có được Bộ Tiêu chí khoa học về phân loại xanh quốc gia. Đây là hành lang pháp lý để doanh nghiệp phát triển xanh thuận lợi.

Để là nơi được nhà đầu tư đặt các nhà máy trung hòa carbon trị giá hàng tỷ USD thì, vấn đề hạ tầng không chỉ là về quỹ đất và kết nối đường sá thuận lợi, mà còn là về hạ tầng xanh và thông minh. Nghĩa là khu công nghiệp phải được đầu tư các hạng mục về năng lượng tái tạo, hay công nghệ chuyển đổi số, để có thể đấu nối, phục vụ nhu cầu nhà đầu tư.

Phát triển bền vững 3/4: Sắp bán hơn 5 triệu tín chỉ carbon rừng với giá 10 USD/tấn| Sớm hoàn thiện hạ tầng, chính sách hỗ trợ FDI xanh 3
Ảnh minh họa

Ông Nguyễn Chí Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Gia Định đưa ra ý kiến: "Kiến nghị lớn nhất của chúng tôi hiện nay là về vấn đề chính sách. Nhà nước phải có những hướng dẫn chính sách hết sức cụ thể, tiêu chí cụ thể. Bởi vì Việt Nam hiện nay chưa có tiêu chí cụ thể nào về 1 cụm công nghiệp xanh, kinh tế tuần hoàn".

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài kiến nghị cần sớm ban hành DPPA - cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo và doanh nghiệp sử dụng điện lớn. Đây là yếu tố quan trọng giúp thu hút nhà đầu tư lớn vào những ngành mới như công nghiệp bán dẫn.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết việc cần làm ngay là có được Bộ Tiêu chí khoa học về phân loại xanh quốc gia. Hiểu nôm na là hệ thống phân loại các ngành kinh tế xanh, để phân biệt được ngành nào 'xanh' hay 'không xanh'. Đây sẽ là hành lang pháp lý để các doanh nghiệp phát triển xanh thuận lợi hơn. Bộ sẽ sớm trình Chính phủ Bộ Tiêu chí này trong thời gian tới.